Những câu hỏi doanh nhân nên tự đặt ra khi mua lại công ty
Đang cùng vài người bạn thành lập trung tâm tiếng Anh, Lâm Xuân Kha, một cử nhân sư phạm, thấy vài người ở Hà Nội rao bán cơ sở dạy tiếng Anh. Vì chưa từng có kinh nghiệm điều hành trung tâm ngôn ngữ, Kha cùng các cộng sự phải tự đặt nhiều câu hỏi trước khi chọn một cơ sở để mua.
"Khi vào các diễn đàn kinh doanh để trao đổi, tôi nhận thấy mọi người phải tự đặt rất nhiều câu hỏi trước khi mua một công ty hay cơ sở kinh doanh. Đây thực sự là việc khó, chứ không đơn giản", anh bình luận.
Những câu hỏi quan trọng nhất khi mua công ty hay cơ sở kinh doanh
Một số doanh nhân giàu kinh nghiệm thừa nhận vài chục câu hỏi có thể xuất hiện trong đầu những người muốn mua cơ sở kinh doanh của người khác. Song những câu hỏi quan trọng nhất có thể là "Có nhiều cơ hội kinh doanh không?", "Tài chính và pháp lý rõ ràng không?", "Công ty đó phụ thuộc quá nhiều vào một nhà cung cấp hay một khách hàng không?" cùng vài câu hỏi khác.
Nhiều cơ hội kinh doanh không?
Vương Trung Thành, người đồng sáng lập một trung tâm tiếng Hàn ở Hà Nội, nói rằng doanh nhân phải hình dung những cơ hội mà họ có thể gặp nếu mua lại cơ sở kinh doanh.
"Câu hỏi về những cơ hội giúp người có ý định mua lại công ty khác đánh giá tiềm năng tăng trưởng - từ những thị trường chưa khai thác tới những dòng sản phẩm mới, cơ hội tiếp thị", Thành nói.
Học viên trong một trung tâm ngoại ngữ. Ảnh: local-life.com |
Nếu người mua không nhìn ra nhiều cơ hội sau khi mua cơ sở kinh doanh, theo Thành, họ nên cân nhắc lại ý định hoặc yêu cầu người bán giảm giá.
Quan điểm của Thành là người mua nên đặt câu hỏi sau với người bán: "Nếu anh không thể bán, anh sẽ có kế hoạch gì?
"Nếu người bán nói họ sẽ trao quyền điều hành cho một nhân viên hoặc ngừng hoạt động vô thời hạn nếu không thể bán, chúng ta sẽ có lý do để đàm phán mức giá thấp hơn", Thành bình luận.
Tài chính và pháp lý minh bạch, rõ ràng không?
Vũ Thị Hiên, người từng mua lại một cơ sở sản xuất bao bì, nói rằng tiêu chí đầu tiên của chị là công ty phải có quy trình theo dõi hoạt động tài chính một cách rõ ràng, khoa học.
"Tôi phải tiếp cận các giấy tờ tài chính để kiểm chứng tuyên bố của người chủ cũ về doanh thu, lãi hoặc lỗ, các nguồn thu nhập khác, các khoản hoàn thuế. Nếu chủ cũ có những nguồn thu nhập không thể hiện trên chứng từ thì tôi sẽ yêu cầu họ chứng minh bằng cách nào đó", Hiên phát biểu.
Nếu công ty không có quy trình ghi chép hoạt động tài chính bài bản, người mua có thể đánh giá sai tiềm năng của nó. Ảnh: freepik.com |
Hiên cũng lưu ý rằng mọi công ty đều có thể liên quan tới các vụ kiện tụng trong quá khứ nên chị hỏi khá kỹ người chủ cũ về vấn đề đó.
"Người mua nên hỏi để biết công ty từng liên quan tới vụ kiện hay vấn đề pháp lý nào hay không. Rất nhiều người đã gặp rắc rối pháp lý do mua công ty từng hoặc đang bị kiện", Hiên nói.
Theo chị, người mua nên ghi vào hợp đồng giao dịch những điều khoản về trừng phạt nếu người bán giấu diếm những vấn đề pháp lý.
Quy trình chuẩn không?
Đoàn Xuân Thịnh, giám đốc một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, kể rằng anh từng mua lại công ty từ một người quen. Người chủ cũ vận hành tùy hứng, không theo quy trình chuẩn.
"Tình trạng đó không gây nên phiền toái cho người chủ cũ. Tôi phải soạn lại mọi thứ - từ quy định chính sách tới hướng dẫn vận hành máy móc ở xưởng. Nếu mua một công ty đã có sẵn quy trình chuẩn, người chủ mới sẽ tiết kiệm khá nhiều thời gian", Thịnh nhận xét.
Phụ thuộc quá nhiều vào một khách hàng hay nhà cung cấp không?
Thịnh kể rằng một đối tác của anh từng mua một công ty in ấn có vẻ thành công. Nhưng sau khi tiếp quản, người đó mới nhận ra công ty phụ thuộc quá nhiều vào một khách hàng và một nhà cung cấp. Anh cho rằng đó là điều nguy hiểm.
"Nếu các khách hàng và nhà cung cấp đó chỉ muốn gắn bó với người chủ cũ, họ có thể ngừng hợp tác với công ty sau khi chủ mới tiếp quản", Thịnh giải thích.
Xem thêm |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/