|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Những băn khoăn trước ngày đại hội cổ đông Tập đoàn FLC

16:01 | 24/06/2019
Chia sẻ
Ngày 26/6 tới đây, CTCP Tập đoàn FLC sẽ tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2019. Dự kiến những vấn đề "nóng" được cổ đông và ban lãnh đạo đưa ra bàn luận lần này sẽ liên quan tới diễn biến giá cổ phiếu, kết quả kinh doanh thời gian gần đây cũng như kế hoạch phát hành thêm tỉ lệ 42,2% ...

Giá cổ phiếu FLC tại sao chưa bứt phá?

Tại đại hội cổ đông thường niên ngày 12/6/2018, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết từng hứa sẽ có ngày cổ phiếu FLC quay về mệnh giá 10.000 đồng/cp, cổ đông FLC sẽ có ngày "hái quả".

Trong quãng thời gian hơn một năm sau tuyên bố này, giá cổ phiếu FLC từng có lúc tăng đến gần mức 6.900 đồng/cp nhưng hiện nay đã giảm còn chưa đầy 5.000 đồng/cp. Đây chắc hẳn sẽ là nội dung được các cổ đông tập trung "chất vấn" ban lãnh đạo Tập đoàn, đặc biệt là Chủ tịch Trịnh Văn Quyết.

FLC

Diễn biến giao dịch cổ phiếu FLC trong một năm trở lại đây. Nguồn: VNDirect

Ngày 21/6 vừa qua tại Đại hội cổ đông thường niên của CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) – một doanh nghiệp khác do ông Trịnh Văn Quyết làm chủ tịch, cổ đông cũng đưa vấn đề giá cổ phiếu sụt giảm ra thảo luận. 

Ông Quyết khẳng định doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, giá cổ phiếu sụt giảm là do cung cầu và tác động của thị trường chung. Để bảo vệ quyền lợi cổ đông, ban lãnh đạo FLC Faros cam kết sẽ thực hiện tốt các dự án bất động sản đang triển khai để hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đặt ra. Cá nhân ông Quyết cam kết sẽ không bán cổ phiếu ROS trong năm nay.

Tại đại hội cổ đông của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC AMD (nay đã đổi tên thành FLC Stone, Mã: AMD), chủ tịch công ty cho rằng giá cổ phiếu sụt giảm là do xu thế chung của thị trường, ban lãnh đạo không thể can thiệp trực tiếp vào thị giá vì không phù hợp với qui định của pháp luật và chỉ có thể cố gắng cải thiện hoạt động giúp công ty phát triển bền vững để nâng giá trị cổ phiếu.

Lãnh đạo các công ty khác trong "họ FLC" như KLF (mới đổi tên thành CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS) hay ART (CTCP Chứng khoán Artex, mới đổi tên thành BOS) cũng đưa ra lời giải thích tương tự về sự sụt giảm của giá cổ phiếu: Do biến động của thị trường, công ty vẫn hoạt động tốt, ban lãnh đạo không thể can thiệp trực tiếp vào giá, chỉ có thể cố gắng cải thiện hoạt động của công ty...

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của AMD đồng thời là Trưởng Ban Kiểm soát Tập đoàn FLC - ông Nguyễn Tiến Dũng.

Chủ tịch của KLF đồng thời là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC - bà Nguyễn Bình Phương.

Chủ tịch của Chứng khoán Artex (BOS) đồng thời là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC - bà Hương Trần Kiều Dung.

Kết quả kinh doanh quí II liệu có khởi sắc?

Đại hội cổ đông thường niên của Tập đoàn FLC được tổ chức khi quí II đã gần kết thúc, cổ đông hẳn sẽ muốn biết ước tính sơ bộ về kết quả kinh doanh của Tập đoàn trong quí II cũng như nửa đầu năm.

Trong quí I vừa qua khi công ty con là hãng hàng không Bamboo Airways bắt đầu khai thác thương mại, doanh thu thuần của FLC đạt 2.980 tỉ đồng, tăng trưởng 35% so với quí I năm ngoái. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại giảm tới 92% còn 8,1 tỉ đồng, tương ứng với biên lãi ròng 0,27%. Đáng chú ý, mảng dịch vụ từ chỗ đóng góp 71 tỉ đồng lợi nhuận gộp trong quí I/2018 chuyển thành lỗ gộp 176 tỉ đồng trong quí I năm nay.

FLC qui I

Kết quả kinh doanh hàng quí của Tập đoàn FLC. Song Ngọc tổng hợp.

Báo cáo giải trình biến động lợi nhuận do Tổng Giám đốc Hương Trần Kiều Dung kí cũng không cung cấp thêm nhiều thông tin về hoạt động của Tập đoàn trong quí I ngoại trừ việc nêu lại biến động của các khoản mục trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

Đại hội sắp tới sẽ là cơ hội để Tập đoàn FLC giải trình rõ hơn với cổ đông về biến động lợi nhuận quí vừa qua cũng như hiệu quả hoạt động chi tiết của từng mảng kinh doanh hàng không, bất động sản, nông nghiệp, ….

Tiếp tục kế hoạch phát hành gần 300 triệu cổ phiếu?

Hội đồng quản trị FLC dự kiến sẽ trình Đại hội cổ đông thông qua kế hoạch phát hành xấp xỉ 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng với tỉ lệ phát hành 42,2%. Mức giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cp. Căn cứ vào tình hình thực tế, HĐQT có thể điều chỉnh mức giá bán nhưng không thấp hơn 10.000 đồng/cp.

Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành thêm dự kiến là 2.996,2 tỉ đồng sẽ được dùng để bổ sung vốn lưu động của Tập đoàn và thực hiện một số dự án bất động sản, tăng vốn điều lệ cho Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) từ 1.300 lên 2.000 tỉ đồng, và các mục đích khác theo quyết định của HĐQT.

Kế hoạch phát hành này đã được đại hội cổ đông thường niên năm 2018 thông qua nhưng FLC chưa thực hiện được nên dự kiến sẽ chuyển sang thực hiện trong năm nay.

Đại hội cổ đông năm 2018 của một doanh nghiệp khác của ông Trịnh Văn Quyết là FLC Faros cũng thông qua kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu và sau đó cũng không thực hiện.

Tại đại hội ngày 21/6 vừa qua, HĐQT của FLC Faros không tiếp tục trình kế hoạch phát hành thêm 300 triệu cổ phiếu này nữa.

Theo giải thích của ông Trịnh Văn Quyết, trong năm qua FLC Faros đã thu hồi một số khoản đầu tư (chẳng hạn như thoái vốn tại công ty con là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Faros Bình Định). Cùng với việc không trả cổ tức mà giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư, công ty hi vọng có thể dùng nguồn vốn nội tại của mình để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, không cần huy động thêm vốn từ cổ đông.

"Không phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông là tín hiệu tốt, tôi kì vọng sang năm 2020 giá cổ phiếu ROS sẽ có chuyển biến tích cực", ông Trịnh Văn Quyết nói sáng 21/6.

Nhưng dường như câu chuyện của Tập đoàn FLC khác với FLC Faros và do vậy kế hoạch phát hành vẫn sẽ được đưa ra bàn bạc và biểu quyết tại đại hội của FLC ngày 26/6 tới.

Đại hội cũng sẽ là cơ hội để ban lãnh đạo Tập đoàn trình bày cụ thể hơn với cổ đông về một số vấn đề quan trọng khác như kế hoạch kinh doanh tham vọng của năm 2019; những thay đổi trong cơ cấu nhân sự Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Ban Tổng Giám đốc; mở rộng hoạt động sang lĩnh vực giáo dục – từ lớp mẫu giáo đến đào tạo tiến sĩ, phi công; …

Song Ngọc