|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhức nhối xâm phạm di tích, danh thắng: Coi thường luật

08:44 | 02/11/2019
Chia sẻ
Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Giang là những địa phương được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cảnh quan độc đáo, kì vĩ. Thế mà chỉ trong vài năm qua, những địa phương ăn lộc “trời” này tàn phá di tích, danh thắng ngày càng trầm trọng.
avatar_1572569153198

Vụ các đại gia chiếm đảo trên vịnh Bái Tử Long đang "chìm xuồng" trước lời hứa xử lý nghiêm, không có vùng cấm của UBND tỉnh Quảng Ninh

Vài năm gần đây, vi phạm có quy mô lớn xảy ra ngày càng nghiêm trọng ở các di sản tầm quốc gia, quốc gia đặc biệt và thậm chí di sản thiên nhiên thế giới. 

PGS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia phát biểu: “Tình trạng xâm phạm di sản hết sức báo động. Điển hình như vi phạm ở Tràng An (Ninh Bình), vịnh Hạ Long, Phong Nha Kẻ Bàng và gần nhất là di tích ở Hà Giang”.

Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, danh thắng Tràng An được công nhận năm 2016, chỉ một năm sau đó, công trình đường dẫn lên núi Cái Hạ không phép mọc lên gây sững sờ. Số là Công ty CP du lịch Tràng An tự ý xây dựng hàng trăm bậc thang trái phép trong vùng lõi di sản Tràng An, tự ý mở bến thuyền khi chưa được phép, tự đưa ra mức giá vé tham quan bằng thuyền.

Tỉnh Ninh Bình đầu năm nay khuyến cáo du khách tránh xa 20 cơ sở lưu trú trái phép do dân tự ý xây dựng. Đó là các cơ sở mọc lên trong vùng lõi di sản, không nằm trong quy hoạch chung khu danh thắng Tràng An được Thủ tướng phê duyệt trước đó.

Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long gánh chịu tình cảnh bê tông hóa. Từ tháng 5/2019, báo Tiền Phong đăng tải loạt bài phản ánh, điều tra về hàng loạt công trình trái phép xây dựng trong vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. 

Đó là dự án cải tạo và nâng cấp bến cập tàu động Mê Cung, dự án cải tạo và nâng cấp bến cập tàu tại hang Tiên Ông, người dân tự ý xây dựng công trình tâm linh trên đảo Bà Men.

Trong số công trình vi phạm có những dự án do chính Ban quản lý (BQL) vịnh Hạ Long làm chủ đầu tư. UBND tỉnh Quảng Ninh xác nhận một số dự án chưa được cơ quan chức năng phê duyệt về đánh giá tác động môi trường, sau đó Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm tại vịnh Hạ Long.

Nóng nhất gần đây vẫn là loạt công trình xâm hại di sản ở Hà Giang. Vừa hết công trình “chui”- nhà nghỉ, nhà hàng Panorama Mã Pì Lèng  bị dư luận phản ứng, bị yêu cầu tháo dỡ, lại tới việc phát lộ hai công trình phá núi nằm trong lòng cao nguyên đá Đồng Văn. 

Đó là dự án Khu du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh Lũng Cú và dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao nằm trong khoanh vùng bảo vệ II của di tích phố cổ Đồng Văn.

Điều đáng nói, hai dự án bạt núi xây dựng này đều chưa tuân thủ hai quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, chưa có ý kiến thỏa thuận của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL), chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo thẩm định, đánh giá tác động môi trường sinh thái.

Có sự tiếp tay?

Soi lại hàng loạt công trình, dự án băm nát di sản nổi cộm vừa qua, điều dễ nhận thấy là sự tắc trách, coi thường pháp luật của chính quyền địa phương. 

“Tôi cho rằng, dù có Luật Di sản Văn hóa, gần đây nhất là Nghị định 199/2017 về quản lý bảo tồn các khu di sản quốc gia, nhưng về cơ bản luật không đi vào được cuộc sống”, PGS.TS Trương Quốc Bình nhận xét.

Xung quanh hai công trình khủng phá núi ngay gần di tích Cột cờ Lũng Cú là Khu du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh Lũng Cú và thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao- lãnh đạo Bộ VHTTDL nhấn mạnh: Bộ nhiều lần có ý kiến về hai dự án, khuyến cáo Hà Giang thận trọng khi xây dựng công trình trong lòng cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO ghi danh trong danh mục Công viên địa chất toàn cầu năm 2010.

Nhức nhối xâm phạm di tích, danh thắng: Coi thường luật - Ảnh 2.

Công trình bạt núi xây khu du lịch, văn hóa tâm linh ở Hà Giang tạm thời bị đình chỉ phục vụ điều tra. Ảnh: Xuân Tùng

Hệ thống văn bản luật quy định rõ về sự phân cấp quản lý các di sản, danh lam thắng cảnh thuộc trách nhiệm địa phương, các chuyên gia chỉ rõ sự buông lỏng trách nhiệm ở các cấp. 

Ở mỗi vụ việc vi phạm được báo chí mổ xẻ, phanh phui và dư luận bức xúc, chính quyền địa phương đều không làm hết trách nhiệm. Cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa ở các địa phương  lực lượng mỏng, tiếng nói kém trọng lượng nên gần như bất lực trước hàng loạt vụ việc.

Công trình vi phạm ở Ninh Bình, dự án phá núi ở Hà Giang đều không nằm trong quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, vì vậy ngoài việc coi thường Luật Di sản Văn hóa và các quy định khác, nhiều địa phương bất chấp ý kiến Chính phủ.

Đại diện Bộ VHTTDL khẳng định, đối với các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt hay di sản thế giới, sau khi được xếp hạng, địa phương đều phải lập quy hoạch và được Thủ tướng phê duyệt. Quy hoạch này còn chỉ rõ khu vực nào bảo tồn nguyên trạng, khu vực nào được phép xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản. 

Hệ thống văn bản luật, nghị định và hệ thống văn bản hướng dẫn đều quy định rõ về quy trình xây dựng các công trình nguy cơ tác động tới di sản, tuy nhiên chính quyền Ninh Bình, Quảng Ninh, Hà Giang vẫn để xảy ra hàng loạt vi phạm nghiêm trọng.

CHỦ TỊCH TỈNH PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM

PGS.TS Trương Quốc Bình cho rằng, việc thực thi luật về di sản chưa nghiêm đã đành, xử lý vi phạm lâu nay lại theo kiểu giơ cao đánh khẽ. "Với vụ việc vi phạm ở Tràng An, đáng lẽ phải khởi tố hình sự. Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm chứ không thể vô can. Vi phạm diễn ra hàng năm trời nhưng lãnh đạo tỉnh không hay biết. Thời gian qua chúng ta buông lơi quản lý", ông nói.

Sau khi tháo dỡ xong đường dẫn lên núi ở vùng lõi Tràng An, có tới 67 tập thể và cá nhân ở địa phương phải chịu trách nhiệm trong vụ để xảy ra vi phạm, tuy nhiên thực tế là chỉ ba tập thể và hai cá nhân bị khiển trách, còn lại 62 tập thể và cá nhân chỉ "rút kinh nghiệm". Mức xử lý như đùa này khiến lãnh đạo tỉnh Ninh Bình phải có văn bản hỏa tốc yêu cầu UBND huyện Hoa Lư kiểm điểm lại.

Vụ vi phạm di sản ở Hạ Long tới nay vẫn chưa có kết quả xử lý, mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản từ tháng 8/2019 yêu cầu rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xảy ra ở di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long.

Trong văn bản mới nhất ngày 25/10 gửi UBND tỉnh Hà Giang, Bộ VHTTDL cũng đề nghị Hà Giang kiểm tra toàn diện hai dự án, xử lý nghiêm sai phạm theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Hà Giang tạm dừng thi công công trình dự án du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh Lũng Cú để phục vụ điều tra.


BẤT CẬP MÔ HÌNH QUẢN LÝ

Một số chuyên gia văn hóa chỉ ra bất cập trong quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên. Cụ thể, Chính phủ phân cấp quản lý di sản về địa phương, tuy nhiên mỗi nơi một phách trong công tác tổ chức quản lý. Chẳng hạn, BQL di sản cố đô Huế trực thuộc UBND tỉnh, vịnh Hạ Long ban đầu trực thuộc tỉnh rồi lại đẩy về TP Hạ Long cho tới gần đây trở lại trực thuộc tỉnh.

Di sản Mỹ Sơn lại do huyện quản lý, Hội An thuộc thành phố trực thuộc tỉnh quản lý. Khu danh thắng Tràng An từ mô hình thuộc tỉnh quản lý, nay lại trở thành một bộ phận của Sở Du lịch Ninh Bình.

Nguyên Khánh