|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhu cầu vẫn yếu dù giá gạo xuất khẩu Ấn Độ giảm trở lại trong tuần này

08:20 | 31/08/2018
Chia sẻ
Giá gạo xuất khẩu giảm do đồng rupee lao dốc không thể mang lại nhu cầu mới đối với gạo Ấn Độ trong tuần này, nhưng các đơn đặt hàng tiềm năng từ Philippines và những nơi khác có thể mang lại động lực mới cho thị trường Thái Lan và Việt Nam. 

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam ghi nhận không đổi tuần thứ 4 liên tiếp

Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm vẫn không đổi ở mức 395 - 400 USD/tấn, nhưng giá dự kiến sẽ tăng trong những tuần tới.

"Việc thu hoạch vụ lúa Hè Thu đã kết thúc và chúng tôi đã nghe thấy thông tin về những đơn đặt hàng mới từ các khách hàng trong khu vực", một thương nhân ở TP HCM nói.

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê công bố hôm thứ Tư (29/8) chỉ ra, nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu trồng lúa cho vụ thu đông, nhưng mưa kéo dài đang làm hoạt động gieo cấy chậm lại.

Tại Thái Lan, một đồng nội tệ mạnh hơn đã kéo giá gạo 5% tấm đạt 393 - 395 USD (FOB), so với mức 390 - 395 USD trong tuần trước.

"Chúng tôi không nghe thấy thông tin về bất kỳ thỏa thuận mới nào nhưng một số nhà xuất khẩu đang kỳ vọng mọi việc sẽ có tiến triển vào tháng tới từ những thị trường trong khu vực như Philippines và Trung Quốc", một thương nhân ở Bangkok cho biết.

Philippines sẽ nhập thêm 132.000 tấn gạo để tăng lượng dự trữ tại các tỉnh phía Nam, nơi giá tăng trong những tuần gần đây vì nguồn cung hạn chế, Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines nói hôm 29/8.

Philippines, một trong những quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, thường mua gạo từ các nhà sản xuất hàng đầu Thái Lan và Việt Nam.

nhu cau van yeu du gia gao xuat khau an do giam tro lai trong tuan nay
Ảnh: Reuters.

Giá gạo xuất khẩu Ấn Độ giảm trở lại nhưng nhu cầu vẫn yếu

Tại Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, giá gạo 5% tấm đã giảm 3 USD xuống 386 - 390 USD/tấn trong tuần này.

Đồng rupee Ấn Độ đã giảm hơn 10% trong năm 2018, xuống mức thấp chưa từng thấy trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (30/8), giúp tăng lợi nhuận từ việc bán hàng ở ngước ngoài đối với các nhà xuất khẩu.

"Nhu cầu hiện đang yếu. Ngay cả sau khi giá giảm trong thời gian gần đây, người mua châu Phi không tích cực trên thị trường", một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, miền Nam Andhra Pradesh cho biết.

Xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong giai đoạn tháng 4 - tháng 7 đã tăng 1% so với năm ngoái lên 4,15 triệu tấn nhờ nhu cầu lạc quan từ Senegal, Benin và Iran, theo một cơ quan chính phủ Ấn Độ.

Trong khi đó, nhập khẩu gạo từ Bangladesh dự kiến sẽ giảm xuống còn 600.000 tấn trong năm tài chính 2018 - 2019, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết trong một báo cáo công bố trong tháng này.

"Thuế nhập khẩu cao có thể ngăn cản nhập khẩu và gián tiếp làm tăng giá lúa, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến giá trên thị trường bán lẻ và chuyển gánh nặng tăng giá này cho người tiêu dùng", theo USDA.

Bangladesh, nổi lên là một quốc gia nhập khẩu gạo lớn kể từ năm 2017 sau khi lũ lụt phá hủy vụ mùa tại các địa phương, đã áp mức thuế 28% đối với gạo nhập khẩu để hỗ trợ người nông dân sau khi sản xuất địa phương hồi sinh.

Theo số liệu của Bộ Lương thực Bangladesh, quốc gia này đã nhập khẩu kỷ lục 3,9 triệu tấn trong giai đoạn 2017 - 2018.

Xem thêm

Lyly Cao

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.