|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhu cầu tôm của Mỹ có thể phục hồi nhẹ trong quý III

08:22 | 17/06/2024
Chia sẻ
VASEP nhận định nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam từ Mỹ có thể tăng nhẹ vào quý III năm nay khi các nhà nhập khẩu tăng mua phục vụ nhu cầu lễ hội cuối năm.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), 5 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 103 thị trường, mang về 1,3 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ so với cùng kỳ là tín hiệu tích cực tuy nhiên ngành tôm vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức khi tình hình kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi, lạm phát vẫn cao, chiến tranh chưa có hồi kết.

 Nguồn:VASEP, Tổng Cục Hải quan 

5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 229 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tôm sang Mỹ chỉ tăng mạnh trong tháng 1, ngược lại tháng 2, tháng 4 và tháng 5 giảm mạnh.

Tại thị trường này, lạm phát vẫn cao, các chi phí nhà ở, xăng gas..cao. Bên cạnh đó, cước tàu tăng đột biến 40% từ tháng 5 do chiến tranh ở Trung Đông và Trung Quốc gom container rỗng để dự phòng xuất hàng cho Mỹ trước kỳ hạn bị áp thuế mới. Tôm Việt Nam còn phải cạnh tranh mạnh về giá với tôm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia trên thị trường Mỹ.

VASEP nhận định nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam từ Mỹ có thể tăng nhẹ vào quý III năm nay khi các nhà nhập khẩu tăng mua phục vụ nhu cầu lễ hội cuối năm.

Tại EU, kim ngạch xuất khẩu đạt 165 triệu USD trong 5 tháng, tăng 8% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tôm sang EU sau khi giảm trong tháng 2 và 3, đã phục hồi tăng trở lại trong tháng 4 và 5.

Tiêu thụ tôm của thị trường EU trong quý đầu năm rất chậm do thị trường này ảnh hưởng nhiều bởi chiến tranh Nga-Ukraine kéo dài, đồng EURO mất giá so với USD, cước tàu tăng đột biến 60% do phải đi vòng, Trung Quốc gom container rỗng để xuất vào Mỹ.

Bên cạnh đó, tôm Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh hơn với các nguồn cung đối thủ trên thị trường này như Ấn Độ, Ecuador do 2 nguồn cung này gặp khó với mức thuế cao trên thị trường Mỹ, nên sẽ giảm giá để tăng lượng xuất khẩu vào châu Âu.

VASEP cho rằng những tháng tới, nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường EU dự kiến tăng nhẹ cho đến cuối năm. Nhu cầu nhập khẩu hàng giá trị gia tăng của thị trường này sẽ tăng trưởng tốt hơn các mặt hàng truyền thống vì tồn kho đã giảm nhiều.

Còn tại Nhật Bản, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt 183 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ.

Tuy tồn kho của các nhà nhập khẩu không nhiều, nhưng do đồng Yên mất giá từ đầu năm đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi và lạm phát cao nên người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm.

xuất khẩu tôm sang Nhật Bản giảm liên tục từ tháng 2 đến tháng 5 tuy nhiên tốc độ giảm không mạnh như những thị trường khác. Nhật Bản vẫn được coi là thị trường có nhu cầu nhập khẩu tương đối ổn định hơn so với những thị trường khác.

Hàng giá trị gia tăng của Việt Nam tại thị trường Nhật vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với các nguồn cung khác như Ấn Độ, Ecuador.

Theo VASEP, nhu cầu nhập khẩu của thị trường Nhật dự kiến tăng nhẹ từ tháng 9 để phục vụ nhu cầu cuối năm.

5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc & Hong Kong đạt 260 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ. Xuất khẩu vào thị trường này tăng trưởng giảm dần từ tháng 1 đến tháng 4. Và sang tháng 5 có dấu hiệu giảm nhiều. Nguyên nhân chính là giá tôm của Việt Nam cao hơn so với giá của các nguồn cung đối thủ.

Những tháng tiếp theo cho đến cuối năm, Ecuador, Ấn Độ và Indonesia sẽ tập trung hơn vào thị trường Trung Quốc do Mỹ áp thuế cao vì thế tôm của Việt Nam xuất vào Trung Quốc sẽ khó khăn hơn về giá đặc biệt là tôm sú nguyên con, thẻ nguyên con.

H.Mĩ