|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhu cầu giàn khoan tăng mạnh, PVD hoàn thành 100% kế hoạch năm sau 6 tháng

07:57 | 29/06/2023
Chia sẻ
Các giàn khoan của PVD đều đã được thu xếp có việc làm liên tục trong năm 2023, đồng thời đơn giá dịch vụ hợp đồng dài hạn cũng đã được cải thiện so với năm ngoái.

 Ảnh minh họa: PVD.

Tại hội nghị sơ kết hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2023, ông Nguyễn Xuân Cường, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling - Mã: PVD) cho biết công ty cơ bản đã hoàn thành 100% kế hoạch kinh doanh cả năm 2023 sau 6 tháng.

Với những tín hiệu lạc quan của giá dầu thô, nhu cầu giàn khoan tăng mạnh trong khi nguồn cung giàn khoan đang bị hạn chế, đơn giá dịch vụ cũng đã có những cải thiện đáng kể, ban lãnh đạo dự kiến 2023 sẽ là một năm PVD hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra.

Năm 2023, PVD đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất đạt 5.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất kỳ vọng đạt 100 tỷ đồng. Quý I, doanh thu hợp nhất của công ty đạt 1.226 tỷ và lãi sau thuế 52,3 tỷ đồng.

Như vậy ước tính quý II/2023, công ty có thể lãi khoảng 48 tỷ đồng và doanh thu ghi nhận 4.174 tỷ. Cùng kỳ quý II năm ngoái, PVD ghi nhận doanh thu là 1.505 tỷ đồng và lỗ sau thuế gần 74 tỷ.

Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, lợi nhuận PVD tiếp tục được cải thiện trong quý II nhờ giá cho thuê giàn tăng cao. Đồng thời, công ty không phải trích lập dự phòng cho các khoản phải thu (trong quý I, công ty trích lập dự phòng 16 tỷ đồng cho Kris Energy).

Theo VDSC, trong quý II, PVD có thể ghi nhận 80 – 90 tỷ đồng lợi nhuận. Cả năm 2023, lãi ròng của công ty dự kiến đạt 344 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 99 tỷ đồng. Động lực chính cho kết quả tích cực trên nằm ở mảng khoan trong khi các mảng dịch vụ giếng khoan hay lợi nhuận từ các liên doanh liên kết vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Tổng Giám đốc PVD - Nguyễn Xuân Cường cho biết, công ty đã thu xếp được việc làm liên tục và ổn định cho các giàn khoan sở hữu trong năm 2023 với đơn giá dịch vụ đã được cải thiện so với năm 2022 đối với các hợp đồng dài hạn vừa ký kết.

"Những giàn khoan đã được kí kết năm ngoái đã được giá tốt hơn rất nhiều so với thị trường", ông Cường nói. Bên cạnh đó, các giàn khoan tại khu vực Đông Nam Á đã rút sang thị trường Trung Đông. Đối với thị trường nội địa, ông Cường nhận định vẫn còn khó khăn nhưng sang năm 2024, Việt Nam sẽ có các dự án dài hạn ngành dầu khí được đưa vào hoạt động.

PVD dự kiến, nhu cầu giàn khoan tự nâng tại thị trường Việt Nam trong năm 2023 sẽ vào khoảng 7 - 8 giàn khoan và trong năm 2024 sẽ tăng lên 9 giàn.

Thậm chí, ông Cường còn dự báo 2023 sẽ là năm bận rộn và tươi sáng hơn của PVD".

Mỹ Linh

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.