|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhóm Big4 và các 'ông lớn' ngân hàng tư nhân có triển vọng ra sao trong 6 tháng cuối năm?

07:10 | 25/08/2022
Chia sẻ
Các chuyên gia của VDSC đã có những đánh về triển vọng cũng như rủi ro của nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và nhóm các ông lớn tư nhân như Techcombank, MB, VPBank, ACB, HDBank trong thời gian tới.

Vietcombank: Khả năng hoàn thành tăng vốn trong năm 2022 là không chắc chắn

Theo VDSC, khả năng hoàn thành tăng vốn trong năm 2022 là không chắc chắn, trong khi việc nhận chuyển giao ngân hàng cũng không thể dự phóng về lợi ích và điểm rơi thời gian. Vietcombank tương đối ổn định trước các khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản nhờ mức độ phơi nhiễm phù hợp. Bên cạnh đó ngân hàng không phân bổ nhiều tín dụng cho các nhà phát triển bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

Với mức trích lập thận trọng trong nửa đầu năm, VDSC cho rằng ngân hàng sẽ dễ dàng vượt qua biến động từ việc phân loại lại nợ cơ cấu trong nửa cuối năm. Tăng trưởng bảng cân đối vẫn sẽ tích cực dù hạn mức tăng trưởng tín dụng không chắc chắn. NIM dự kiến đi ngang so với nửa đầu năm ở mức 3,3% dù lãi suất huy động tăng.

Lợi nhuận trước thuế 2022-2023 không bị ảnh hưởng nhiều bởi điều chỉnh dự phóng, duy trì ở mức 36.900 tỷ (tăng 35%) và 41.400 tỷ (tăng 12%), đồng nghĩa lợi nhuận tăng trưởng 41% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm. Chi phí tín dụng sẽ là yếu tố tăng trưởng then chốt còn NIM sẽ đóng góp tích cực.

Tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng giảm đều xuống mức không đáng kể (0,2%) trong 6 tháng đầu năm, giảm áp lực trích lập dự phòng và tạo dư địa hoàn nhập vào cuối năm. Dư nợ cơ cấu đã giảm đáng kể từ mức 10.500 tỷ năm 2021 xuống 8.000 tỷ trong Q1/22 và lần lượt 6.500 tỷ vào tháng 4 và 5.000 tỷ vào tháng 5 trước khi đạt 4.000 tỷ vào quý II/2022.

Tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 0,6%, trong đó 0,1% là được chuyển nhóm sớm. Đà phục hồi năng lực tài chính của các KH đã cải thiện chất lượng nợ và giúp chi phí tín dụng giảm 9%.

 (Nguồn: VDSC)

VietinBank: Hạn mức tăng trưởng tín dụng không đe dọa đến tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng

Do động lực tăng trưởng chính là cải thiện chi phí rủi ro nên VietinBank ít bị ảnh hưởng bởi sự không chắc chắn trong hạn mức tăng trưởng tín dụng. Giải ngân đầu tư công sẽ là yếu tố hỗ trợ cho sự phục hồi. Do đó, VDSC cho rằng mức tăng trưởng lợi nhuận cao của ngân hàng trong nửa cuối năm là tương đối chắc chắn.

Theo các chuyên gia, tăng trưởng được kỳ vọng đạt 54% trong nửa cuối năm, với mức tăng trưởng trước trích lập là 20%. NIM mở rộng sẽ là yếu tố mang tính hỗ trợ, trong khi tăng trưởng thu nhập phí sẽ tiếp tục cải thiện nhờ doanh số bancassurance. Tăng trưởng tín dụng dự phóng đạt 12%. Diễn biến thực tế có thể có bất ngờ khi ngân hàng đang xin mức tăng trưởng 14-15%.

Ngoài ra, bằng cách đầu tư vào công nghệ, kết hợp với NIM điều chỉnh rủi ro tăng nhờ chi phí huy động vốn giảm mạnh và chi phí tín dụng được kiểm soát, VietinBank có khả năng tăng trưởng bảng cân đối một cách hiệu quả bất chấp áp lực từ nguồn vốn. Tăng trưởng thanh toán và thu hồi nợ sắp tới sẽ góp phần tạo ra khả năng sinh lợi tốt hơn thông qua tăng trưởng thu nhập ngoài lãi.

Tuy nhiên về rủi ro, VDSC cho rằng rủi ro giảm giá bao gồm sự phục hồi kinh tế không chắc chắn và các gói cho vay ưu đãi. Rủi ro tăng giá bao gồm hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn dự kiến.

  Cơ cấu phần tăng trưởng lợi nhuận trước thuế VietinBank và dự phóng. (Nguồn: VDSC)   

BIDV: Bộ đệm tăng trưởng tốt

Chi phí tín dụng là động lực chính, đặc biệt trong quý II/2022. Chuyên gia kỳ vọng BIDV thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận lên 79% so với cùng kỳ trong nửa sau năm 2022, trước khi bình thường hóa về mức 14% năm 2023 với điểm mấu chốt vẫn là chi phí tín dụng.

Tuy nhiên, với các khoản dự phòng chưa hoàn nhập lớn đối với nợ cơ cấu, BID sẽ có một vùng đệm tăng trưởng vững chắc có thể gây bất ngờ trong trường hợp khách hàng phục hồi tốt (đặc biệt là các doanh nghiệp lớn), tỷ lệ chuyển nhóm thấp ở nợ cơ cấu và hạ cánh mềm của kinh tế toàn cầu. Trong ngắn hạn, BIDV chưa có ý định hoàn nhập dự phòng.

Tăng trưởng tổng thu nhập được dự báo là 18% trong nửa cuối năm và 9% năm 2023, chủ yếu do tăng trưởng tín dụng và NIM ổn định trong khi thu nhập phí vẫn tiêu cực trong 6 tháng cuối năm (giảm 18% so với cùng kỳ).

Theo VDSC, kế hoạch tăng vốn gặp khó khăn từ đà điều chỉnh và các quy định của thị trường chứng khoán. Dù còn nhiều sự không chắc chắn, việc tăng vốn sẽ giúp ngân hàng thúc đẩy tăng trưởng doanh thu thông qua khả năng mở rộng bảng cân đối bền vững hơn. Nó sẽ hoạt động như một chất xúc tác mạnh mẽ hỗ trợ giá cổ phiếu khi tăng trưởng bình thường hóa vào năm 2023.

Chất lượng tài sản từng bước được cải thiện sau khi xử lý trái phiếu VAMC. Tỷ lệ hình thành nợ xấu giảm từ nền cao xuống mức hiệu quả hơn, hỗ trợ NIM sau điều chỉnh rủi ro. Khả năng sinh lời và hiệu quả tổng thể sẽ được củng cố cũng như sức khỏe bảng cân đối nhờ vào tiềm năng tăng vốn, từ đó mang lại khả năng mở rộng tốt.

Techcombank: Dự báo lợi nhuận trước thuế đạt 29.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước

Techombank kỳ vọng hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi tốt sẽ hỗ trợ thu nhập phí và bù đắp sự sụt giảm ở mảng thu hồi nợ đã xóa. Thu nhập phí được dự báo tăng 45% trong nửa cuối năm và 23% năm 2023, dẫn dắt tăng trưởng tổng thu nhập lần lượt đạt 24% và 19%.

Dự phóng tăng trưởng tín dụng và NIM năm 2022 bị điều chỉnh giảm. NIM dao động quanh mức 5,4-5,6% trong năm 2022-2023. Tỷ lệ CASA sẽ tăng trở lại, chủ yếu nhờ nguồn cung vốn dồi dào hơn. Chi phí tín dụng sẽ duy trì dưới 0,5% nhờ danh mục tốt. Các chuyên gia dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2022 ở mức 29,0 nghìn tỷ (tăng 25% so với năm trước) nhưng giảm 5% so với 2023 để phản ánh tốc độ tăng trưởng tài sản chậm hơn.

Về thu nhập phí, mảng bancassurance bị cạnh tranh gay gắt nhưng vẫn tăng trưởng 33% về doanh số cân bằng hàng năm (APE) trong 6 tháng đầu năm. Ngân hàng sẽ hoàn nhập dự phòng trái phiếu trong nửa cuối năm, ước tính hơn 500 tỷ đồng.

 Cơ cấu phần tăng trưởng lợi nhuận trước thuế Techcombank và dự phóng. (Nguồn: VDSC 

Mặc dù tăng trưởng chậm lại trong năm 2022 do điều kiện thắt chặt, các chuyên gia duy trì dài hạn cho năng lực tăng trưởng bảng cân đối và cải thiện ROE. Các yếu tố nền tảng không bị suy giảm bởi các cú sốc ngắn hạn như cơ sở hạ tầng công nghệ hàng đầu, nền tảng vốn mạnh để chống chịu các tình huống căng thẳng như các cú sốc trong lĩnh vực bất động sản, và hệ sinh thái khép kín.

Theo các chuyên gia, ngân hàng có thể duy trì khả năng sinh lời và hiệu quả hoạt động trong nhiều môi trường nhờ chi phí huy động vốn và giá các cơ sở tín dụng cạnh tranh cũng như năng lực tài chính khách hàng cao. Trong nửa cuối năm, Techcombank sẽ cân đối tổng thể NIM, chi phí rủi ro và phân bổ vốn để thích ứng với sự bất định như hạn mức tăng trưởng tín dụng không như kỳ vọng.

Ngoài ra, nhờ hệ sinh thái quản lý tài sản rộng lớn giúp giữ lại dòng tiền, ngân hàng có thể tăng trưởng cơ sở tiền gửi với CASA ổn định đồng thời huy động quốc tế cho nguồn vốn dài hạn và lãi suất tốt. Các chuyên gia kỳ vọng Techcombank sẽ duy trì động lượng và hiệu quả hoạt động trong 6T cuối năm nhờ chi phí rủi ro tín dụng và hồ sơ rủi ro của khách hàng tiếp tục cải thiện.

Tuy nhiên, sự không chắc chắn trong đà phục hồi kinh tế trung hạn do vĩ mô toàn cầu, và trong hạn mức tăng trưởng tín dụng, thị trường bất động sản và triển vọng trái phiếu doanh nghiệp do chính sách thắt chặt.

MB: Tăng trưởng lợi nhuận cuối năm sẽ ở mức cao

Theo các chuyên gia, tăng trưởng tăng trưởng lợi nhuận biến động trong 6 tháng đầu năm tạo kỳ vọng cho xu hướng trong nửa cuối năm trên nền tảng bộ đệm dự phòng. Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm là 49% đến từ hạn mức tăng trưởng tín dụng cao và quản trị chi phí. Bộ đệm dự phòng dày và NIM duy trì sẽ giúp đạt mức tăng trưởng 35% trong nửa cuối năm 2022.

Thu nhập phí sẽ phục hồi tòan diện trong nửa cuối năm 2022, tăng 28% so với năm trước. Doanh số thu hồi nợ đã xóa sẽ đi ngang. Lợi nhuận trước thuế nửa cuối năm dự kiến giảm nhẹ 3% so với nửa đầu năm Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cuối năm sẽ ở mức cao, giúp tăng trưởng lợi nhuận cả năm đạt 42%. Chuyên gia cũng dự báo năm 2023 sẽ ở mức 27.400 tỷ, tăng 17% so với năm trước.

Ngoài ra, chiến lược 2022-2026 đặt mục tiêu biến ngân hàng thành một tập đoàn tài chính công nghệ với quy mô số hóa toàn diện.

 (Nguồn: VDSC)

VPBank: Kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận 90% trong nửa cuối năm

Với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2022, VPBank có thể gặp khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch trong trường hợp phục hồi kém tiếp diễn. VDSC kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận 90% trong nửa cuối năm, bằng 87% kế hoạch, và tăng trưởng 20% năm 2023. Con số này được thúc đẩy bởi mức tăng tổng thu nhập hoạt động lần lượt là 26% và 22% so với năm trước.

Tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng đầu năm biến động trong khi tăng trưởng tổng thu nhập điều chỉnh ở mức trung bình. Chi phí tín dụng và khoản phí trả trước là động lực chính. VDSC kỳ vọng tăng trưởng nửa cuối năm cao với đóng góp lớn hơn từ công ty con và chi phí rủi ro,

Tuy nhiên, khả năng hoàn thành kế hoạch năm đầy tham vọng vẫn bị nghi ngờ khi nền tảng vĩ mô không chắc chắn.

ACB: Chỉ tăng nhẹ mức trích lập dự phòng trong 6 tháng cuối năm

Các chuyên gia dự báo lợi nhuận trước thuế được điều chỉnh tăng 7% lên 16.500 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 38% so với năm trước và 19.100 tỷ đồng trong năm 2023. Động lượng tăng trưởng sẽ giảm dần.

Ngoài ra, việc chuyển nhóm nợ xấu sau giai đoạn cơ cấu và hạn mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm là những rủi ro đã nhận diện. ACB được kỳ vọng chỉ tăng nhẹ mức trích lập dự phòng trong 6 tháng cuối năm 2022.

Dù đã được trích lập dự phòng đầy đủ theo Thông tư 03, VDSC cho rằng chất lượng nợ sẽ suy giảm tương đối. Lãi suất huy động dự kiến tăng 0,42 điểm % cơ bản trong nửa cuối năm trong khi lãi suất cho vay tăng 0,19 điểm % cơ bản. Hiệu quả tổng thể sẽ được duy trì trong môi trường chi phí cao hơn. ROE sẽ tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, do độ nhạy cao với dự phòng, sự không chắc chắn ở khả năng hồi phục của khách hàng và chuyển nhóm nợ cơ cấu là rủi ro giảm giá. Hạn mức tăng trưởng tín dụng cũng tiềm ẩn rủi ro dù thấp.

HDBank: Tăng trưởng nửa cuối năm ổn định nhờ bancassurance và quản trị chi phí

HDBank đã ghi nhận kết quả ấn tượng nhờ cả thu nhập lãi thuần và thu nhập phí thuần, dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận 26% so với cùng kỳ. Các chuyên gia dự báo ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận ổn định 36% trong nửa cuối năm 2022 nhờ hạn mức tang trưởng tín dụng cao, NIM phục hồi và đóng góp thêm từ mảng bancassurance. Theo đó, thu nhập lãi thuần và thu nhập phí thuần sẽ tăng lần lượt 27% và 60%.

Việc HD Saison tương đối trụ vững đã giúp giảm bớt tác động từ phân khúc tài chính tiêu dùng. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng và chi phí tín dụng biên của HDSaison tiếp tục tăng trong những quý gần đây, hoạt động của HDSaison vẫn tốt hơn trung bình ngành trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm hơn dự kiến và độ trễ của tác động. Nhánh tài chính tiêu dùng đã xoay sở tốt để tăng giải ngân hiệu quả và duy trì khả năng sinh lời tốt giúp đóng góp vào kết quả hợp nhất.

Ngoài ra, chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng cho vay và thị phần ổn định do nhu cầu đang tăng nhanh và vị thế tốt của ngân hàng. Sự kết hợp nguồn vốn ổn định với tiền gửi dài hạn và giấy tờ có giá là nền tảng để mang lại tính thanh khoản dài hạn và theo đuổi hoạt động cho vay có lợi suất cao.

Tăng trưởng tín dụng và NIM được dự báo sẽ vẫn là những yếu tố tăng trưởng thuận lợi cho thu nhập lãi vào cuối năm nhưng sẽ chậm lại vào năm 2023 do lãi suất huy động tăng. Bancassurance sẽ tiếp tục là động lực chính của mảng phí, dự kiến sẽ chiếm khoảng một nửa thu nhập phí và có thể mang lại thương vụ độc quyền giá trị cao.

Tăng trưởng phí được dự báo ở mức 63% năm 2022 và 87% năm 2023. Tổng thu nhập sẽ tăng ổn định trong giai đoạn 2022-2023 ở mức khoảng 30%/năm.

(Nguồn: VDSC) 

Lợi nhuận trước thuế năm 2022 dự báo đạt 10.800 tỷ tăng 34% so với năm trước, tương ứng tăng trưởng 43% trong nửa cuối năm. Dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2023 là 15.000 tỷ, tăng 38% so với năm trước. Bất chấp những khó khăn vĩ mô, HDBank sẽ được hỗ trợ bởi các chất xúc tác tiềm năng bao gồm tăng vốn và quy mô thông qua M&A hoặc phát hành riêng lẻ.

Tuy nhiên, rủi ro giảm giá bao gồm phân khúc tài chính tiêu dùng phải đối mặt với sự phục hồi kinh tế không chắc chắn, đe dọa việc hình thành nợ xấu khó lường. Rủi ro tăng giá bao gồm tiềm năng mở rộng thông qua M&A hoặc phát hành riêng lẻ và thương vụ bancassurance độc quyền, kết hợp với việc tham gia vào chương trình tái cấu trúc của Ngân hàng Nhà nước.

Huyen Vi

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.