Nhìn nhận từ hiện tượng nhà đầu tư xin trả lại dự án giao thông
Dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì. (Ảnh: Quang Toàn/BNews/TTXVN)
Câu chuyện nhà đầu tư các dự án giao thông có công văn xin trả lại dự án không còn là mới, khi trước đó một số nhà đầu tư như Công ty cổ phần BOT cầu Việt Trì, Công ty cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang… có công văn xin trả lại dự án khi doanh thu không đạt như kỳ vọng.
Mới đây nhất, Công ty TNHH thu phí tự động VETC (đơn vị đang lắp đặt hệ thống thu phí không dừng (ETC) tại 44 trạm thu phí trên quốc lộ và đường cao tốc) có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải xin trả lại dự án thu phí không dừng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư khi ký hợp đồng triển khai dự án phải thực hiện theo các cam kết, không thể viện lý do hoặc thậm chí mặc cả điều kiện để không triển khai tiếp dự án.
Trao đổi với phóng viên TTXVN về việc Công ty TNHH thu phí tự động VETC xin trả lại dự án, đại diện diện lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, đề xuất của VETC vừa qua thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải, vì Bộ là bên trực tiếp ký hợp đồng với VETC.
“Về nguyên tắc, các bên phải thực hiện các cam kết đã ghi trong hợp đồng. Trong trường hợp này, VETC phải thực hiện các thỏa thuận đã cam kết trong hợp đồng.
Theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải phải hoàn thành việc thu phí không dừng giai đoạn 1, nếu mốc 31/12/2019, Công ty TNHH thu phí tự động VETC không triển khai xong là vi phạm hợp đồng”, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, trong quá trình triển khai nếu khó khăn, vướng mắc thì các bên của hợp đồng phải cùng bàn bạc để tháo gỡ.
Theo thông tin của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trước đề nghị của Công ty TNHH thu phí tự động VETC, đồng thời dự án này liên quan đến nhiều lĩnh vực, Bộ Giao thông Vận tải sẽ yêu cầu các đơn vị của Bộ như: Vụ Khoa học công nghệ, Vụ Đối tác công tư (PPP), Vụ Tài chính… đánh giá lại các vướng mắc báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để có cuộc họp giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư.
Ông Phạm Văn Lượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH thu phí tự động VETC thông tin, dự án thu phí không dừng bắt đầu triển khai từ cuối tháng 11/2014, đến nay đã 5 năm thực hiện nhưng hiện mới có 11/44 trạm ký phụ lục hợp đồng để triển khai thu phí ETC.
Cũng theo ông Phạm Văn Lượng, còn 33 trạm BOT (75%) nhà đầu tư chưa chịu bàn giao để triển khai thu phí không dừng.
Theo đó, 13 trạm chưa đồng ý mức trích thu phí, 4 trạm đồng ý mức trích nhưng chờ đồng thuận từ ngân hàng tài trợ, 3 trạm đồng ý mức trích nhưng chờ địa phương chấp thuận, 3 trạm đang tạm dừng thu phí…. Đây là lý do VETC đang lỗ khoảng 300 tỷ đồng.
Một trạm BOT có làn thu phí tự động không dừng. (Ảnh: Quang Toàn/BNews/TTXVN)
Từ thực tế trên, Công ty TNHH thu phí tự động VETC đề nghị Bộ Giao thông Vận tải thực hiện hai phương án.
Thứ nhất, lựa chọn nhà đầu tư khác hoặc cơ quan quản lý nhà nước nhận lại dự án để tiếp tục triển khai, cho phép VETC thực hiện thủ tục phá sản.
Thứ hai, nếu bắt buộc phải triển khai, Bộ Giao thông Vận tải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ chia sẻ rủi ro, bù doanh thu thiếu hụt cho doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét, việc Công ty TNHH thu phí tự động VETC có kiến nghị trả lại dự án thu phí không dừng (ETC) đang triển khai là vô lý, thậm chí “mặc cả” cơ quan quản lý nhà nước. Không có việc lãi thì nhà đầu tư giữ lấy còn khi khó khăn và doanh thu hụt thì xin trả lại.
Nếu nhà đầu tư thấy các bên tham gia hợp đồng, cụ thể như Bộ Giao thông Vận tải vi phạm cam kết trong hợp đồng thì có thể khởi kiện lên Tòa án để giải quyết.
Về lý do nhiều nhà đầu tư chưa chủ động tham gia dự án thu phí không dừng, trao đổi với phóng viên, một số nhà đầu tư BOT cho rằng, họ sẵn sàng chấp hành chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, việc Công ty TNHH thu phí tự động VETC yêu cầu nhà đầu tư phải bàn giao trạm để họ quản lý là vô lý.
“Đơn vị triển khai công nghệ thu phí không dừng về bản chất chỉ là một đơn vị cung cấp dịch vụ và là đơn vị ăn theo các trạm thu phí, do vậy không thể thay thế các nhà đầu tư dự án BOT.
Hơn nữa, trong quá trình thực hiện dự án nhà đầu tư đã phải thế chấp trạm thu phí và doanh thu hàng ngày cho ngân hàng để có vốn đầu tư nên không thể bàn giao trạm cho bên thứ ba được”, đại diện một nhà đầu tư BOT chia sẻ.
Về việc này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho hay, không rõ những điều khoản trong hợp đồng giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam với Công ty TNHH thu phí tự đồng VETC như thế nào, có những ràng buộc gì.
Nhưng, dù thế nào thì doanh nghiệp cũng phải thực hiện hết hợp đồng. Đến lúc đó mới có thể đề cập là lãi làm tiếp hay dừng. Còn hiện nay, dự án mới triển khai 1/3 khối lượng công việc thì không thể xin dừng được.
Đại diện lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện thu phí không dừng giai đoạn 1 vừa qua là cả quá trình dài, khó khăn. Do vậy, mọi việc phải tuân thủ hợp đồng.
Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Vũ Khắc Thư, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH P&A (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận xét, việc xin trả dự án có lẽ là việc mà chính nhà đầu tư không mong muốn. Vì đó là sự thất bại của một thương vụ đầu tư, kéo theo nhiều vấn đề về tài chính phải giải quyết.
Tuy nhiên, khi nhà đầu tư ký hợp đồng để thực hiện dự án thì phải chấp nhận tất cả rủi ro, thậm chí phá sản.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu các bên phát sinh các vấn đề thì cần ngồi lại thỏa thuận. Còn nếu trong trường hợp một trong hai bên vi phạm có thể khởi kiện để các cơ quan Tố tụng phân giải.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cách ứng xử, giải quyết vấn đề phát sinh đối với những tranh chấp trong thực hiện hợp đồng BOT phải xuất phát từ hợp đồng. Tuy nhiên trong trường hợp này Nhà nước cần có sự điều tiết.
Đặc biệt, với tư cách là một bên tham gia hợp đồng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thực hiện theo cam kết hợp đồng. Nếu thay đổi cam kết do chủ quan từ phía Nhà nước ảnh hưởng đến nguồn thu thì Nhà nước có phương án bồi hoàn. Hợp đồng chính là văn kiện để giải quyết và nhà đầu tư có thể khởi kiện.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo chủ trương của Chính phủ, đến hết năm 2018 tất cả các trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh phải xong việc áp dụng thu phí không dừng. Các trạm trên các tuyến đường còn lại thực hiện việc này xong trước 31/12/2019.
Việc triển khai chủ trương trên được Tổng cục Đường bộ Việt Nam lập thành dự án, với giai đoạn 1 gồm 44 trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên có tổng mức đầu tư 2.030 tỷ đồng.
Công ty TNHH thu phí tự động VETC (liên danh giữa Công ty cổ phần Tasco và Công ty thu phí tự động VETC) là nhà đầu tư được lựa chọn triển khai theo hình thức không thông qua đấu thầu.