Nhìn lại những kỷ lục thị giá: VNZ gây sốt với mức 893.400 đồng/cp, đa phần NĐT chưa vào bờ vì đu đỉnh nhóm Sông Đà, dầu khí, BĐS
Khác với các phiên tăng trần trước, khối lượng giao dịch cổ phiếu VNZ hôm nay là 300 đơn vị trong khi khối lượng đặt mua giá trần hàng nghìn đơn vị. Đồng nghĩa rất ít nhà đầu tư có thể mua được cổ phiếu này dù giá tăng mạnh.
Việc cổ phiếu có chuỗi tăng trần 8 phiên liên tiếp cũng đưa VNG gia nhập câu lạc bộ doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD trên thị trường. Tuy nhiên, quy mô vốn hóa hiện thời vẫn đang thấp hơn so với mức định giá về kỳ lân này trong nhiều năm trước.
Trở lại với cổ phiếu VNZ, thị giá đóng cửa hôm nay của mã này được xem là mức cao kỷ lục trong lịch sử 23 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu như tiếp tục tăng kịch trần trong phiên giao dịch đầu tuần tới, giá cổ phiếu VNZ sẽ vượt ngưỡng 1 triệu đồng/cp, cũng lần đầu tiên thị trường có mã chứng khoán đạt được ngưỡng giá này.
Kể từ thời điểm hoàng kim của thị trường chứng khoán Việt Nam 2006 – 2007, thị trường chứng khoán Việt Nam mới lại chứng kiến một cổ phiếu có thị giá vượt ngưỡng 500.000 đồng/cp.
Trong tháng 1/2022, cổ phiếu L14 của Ligcogi 14 có thị giá vượt mốc 400.000 đồng/cp trong làn sóng tăng giá cổ phiếu bất động sản. Nhưng sau đó mã này giảm sâu, hiện giao dịch quanh mốc 50.000 đồng/cp, tương đương tỷ lệ giảm giá khoảng 90% so với mức đỉnh. Không riêng L14, nhiều cổ phiếu bất động sản từng có thị giá 3 con số nhưng mất 80 – 90% giá trị như DIG, CEO.
Những năm trước đó, thị trường có hai cổ phiếu có thị giá đạt trên 300.000 đồng/cp là YEG của Yeah1 và SAB của Sabeco. Sau đi chào sàn với mức đỉnh trên 300.000 đồng, mã YEG liên tục rớt giá, hiện chỉ còn 9.400 đồng/cp. Về phần SAB, mã này đạt mức giá đỉnh trên 300.000 đồng/cp vào tháng 11/2017 sau ít tháng chào sàn (tháng 12/2016).
Trong lịch sử vận hành 23 năm vừa qua, nhóm cổ phiếu khoáng sản, “họ Sông Đà”, dầu khí hay các mã bất động sản từng gây sốt với mức thị giá hàng trăm nghìn đồng cho mỗi cổ phiếu. Đỉnh điểm nhất là giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam tăng nóng và khan hiếm hàng hóa trên sàn như 2006 – 2007.
Ngày 21/5/2007, cổ phiếu BMC của CTCP Khoáng sản Bình Định đóng cửa tại mức đỉnh 847.000 đồng/cp (biên độ tăng giá thời điểm đó là 5%) sau chuỗi 15 phiên tăng giá liên tiếp. Thị giá điều chỉnh sau khi doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt, phát hành cổ phần tại thời điểm đó tương đương 33.400 đồng/cp. Đóng phiên 9/2, giá cổ phiếu BMC ở 13.300 đồng/cp, còn cách khá xa so với mức đỉnh trên.
Nhóm cổ phiếu “kim vàng giọt lệ” trên thị trường không thể không nhắc đến những mã chứng khoán họ “Sông Đà”. Trong 20 mã cổ phiếu có thị giá cổ phiếu cao nhất trong lịch sử có đến 4 đại diện họ “Sông Đà” như SJS của CTCP Đầu tư Phát triển Đô thi và Khu Công nghiệp Sông Đà (Sudico), SD7 của CTCP Sông Đà 7, S99 của CTCP SCI (tiền thân là CTCP Sông Đà 909) và SDA của CTCM Simco Sông Đà.
Ở thời kỳ đỉnh điểm, nhà đầu tư phải ngã giá gần 73 triệu đồng để sở hữu 100 cổ phiếu SJS của Sudico. Còn với các mã khác cũng trong khoảng 35 – 50 triệu đồng, như SD7 (494.000 đồng/cp), S99 (440.000 đồng/cp), SDA (349.500 đồng/cp). Hiện ngoài SJS giữ được mức giá trên 45.000 đồng/cp, ba mã còn lại có giá vài nghìn đồng cho mỗi cổ phiếu.
Nhóm chứng khoán có đại điện duy nhất là mã BVS của Chứng khoán Bảo Việt lọt Top20 thị giá cao trên thị trường. Theo ghi nhận, cổ phiếu BVC chào sàn với mức giá 380.000 đồng/cp vào ngày 18/12/2006, và giảm giá 60.000 đồng/cp ngay trong phiên đầu tiên. Sau nhịp tăng giá mạnh trong tháng 10/2007, giá cổ phiếu BVS đạt đỉnh 635.000 đồng/cp (giá điều chỉnh khoảng 110.000 đồng/cp). Đóng cửa phiên 10/2, giá cổ phiếu BVS ở 18.200 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng từng gây bão trên thị trường với mức giá hàng trăm nghìn đồng cho mỗi cổ phần vào năm 2007. Ngày 27/2/2007 cổ phiếu PVD lập đỉnh giá 310.000 đồng/cp. Mức giá sau điều chỉnh của mã này đang gấp khoảng 2,5 lần thị giá hiện tại.
Bên cạnh những cái tên kể trên, “con sóng thần” 2006 – 2007 từng đưa nhiều cổ phiếu lên mức đỉnh giá hàng trăm nghìn và sau hàng chục năm vẫn chưa thể quay trở lại như TDH, NTL, RCL, HRC, thậm chí có cổ phiếu đã ngừng giao dịch như VSP.
Nếu nhìn vào những cổ phiếu từng có thị giá lớn nhất thị trường, đặc điểm chung là cổ phiếu giảm rất sâu sau khi tạo đỉnh và nhà đầu tư mất đến hàng chục năm không thể “vào bờ” nếu nắm giữ. Ngay cả với VNZ, như đã đề cập trong các bài viết trước đó, mặc dù tăng giá mạnh thời điểm hiện tại, mức giá hiện nay vẫn còn thấp hơn đáng kể so với mức giá từng giao dịch hàng triệu đồng trên mỗi cổ phần.
Tuy nhiên, trong số cổ phiếu top20 về thị giá, vẫn có những trường hợp đem thành quả cho nhà đầu tư nếu như mua vào ở vùng đỉnh lịch sử như DHG của Dược Hậu Giang, FPT của CTCP FPT, SFI của CTCP Đại lý Vận tải SAFI.
Đơn cử, ngày 27/2/2007, cổ phiếu FPT đạt thị giá cao nhất là 665.000 đồng/cp, tương đương mức giá điều chỉnh khoảng 26.000 cp/cp. Đóng cửa phiên 10/2, giá cổ phiếu này ở 80.700 đồng/cp.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/