|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhiều dự án điện trọng điểm vẫn vướng mắc giải phóng mặt bằng

03:00 | 15/09/2022
Chia sẻ
Trong thời gian tới, EVN sẽ tập trung xử lý những vướng mắc giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh thi công các dự án nguồn điện trọng điểm

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện nay về nguồn điện, Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng đã được Bộ Công Thương cho phép thi công trở lại. Tuy nhiên, nhiều dự án trọng điểm khác vẫn đang vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng và chưa được xử lý dứt điểm. 

Có thể kể đến như Dự án cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1; dự án cơ sở hạ tầng dùng chung các Nhà máy điện tua-bin khí hỗn hợp Dung Quất 1, 2 và 3...

“Hiện các dự án này vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được xử lý dứt điểm trong vấn đề giải phóng mặt bằng”, EVN cho hay.

Trong thời gian tới, EVN sẽ tập trung xử lý những vướng mắc giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh thi công các dự án nguồn điện trọng điểm. Về lưới điện, Tập đoàn sẽ huy động nhân lực, vật tư thiết bị hoàn thành các dự án: mạch 2 đường dây 220 kV Lào Cai - Bảo Thắng, đường dây 220 kV Bắc Giang - Lạng Sơn, đường dây 220 kV Nậm Mô - Tương Dương, đường dây 220 kV Kiên Bình - Phú Quốc...

EVN dự kiến sản lượng tiêu thụ điện bình quân toàn hệ thống trong tháng 9/2022 ở mức 754,8 triệu kWh/ngày (tăng 18,6% so với cùng kỳ), công suất phụ tải lớn nhất ước khoảng 41.400 MW.

Do vậy, để đảm bảo sản xuất, cung ứng điện an toàn, liên tục phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước và sinh hoạt người dân, EVN huy động tối đa các nhà máy thủy điện đang phải xả nước (hoặc có nguy cơ xả nước) theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai và Ban chỉ đạo các địa phương.

Đồng thời, cập nhật dự báo thủy văn để có kế hoạch điều tiết phù hợp; nhiệt điện than, tuabin khí huy động theo nhu cầu hệ thống và bài toán tối ưu thủy - nhiệt điện; khai thác các nhiệt điện than nội khu vực phía Bắc để tích dần nước các hồ thủy điện; dự phòng nhiệt điện dầu.

Báo cáo của EVN cho hay, trong tháng 8 năm 2022, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 8/2022 đạt 23,9 tỷ kWh. Lũy kế 8 tháng đạt 181,92 tỷ kWh, tăng 5% so với cùng kỳ; trong đó, thủy điện đạt 63,25 tỷ kWh, chiếm 34,8%; nhiệt điện than đạt 71,67 tỷ kWh, chiếm 39,4%; tua bin khí đạt 19,67 tỷ kWh, chiếm 10,8%; năng lượng tái tạo đạt 24,95 tỷ kWh, chiếm 13,7% (trong đó điện mặt trời đạt 18,82 tỷ kWh, điện gió đạt 5,84 tỷ kWh).

Những tháng qua, do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện như than, dầu, khí tăng đột biến khiến chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao dẫn tới nhiều khó khăn về tài chính.

Dù vậy, trong 8 tháng năm 2022, EVN và các đơn vị đã khởi công 88 công trình và hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 65 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500 kV. Đơn cử như EVN đóng điện đường dây 500 kV Quảng Trạch - Vũng Áng và sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, trạm biến áp 220 kV Chư Sê, nâng công suất trạm biến áp 220 kV Bỉm Sơn, nâng công suất trạm biến áp 220 kV Đô Lương, dự án đấu nối 110 kV sau trạm biến áp 220 kV Chư Sê…

Đến hết tháng 8 năm 2022, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 90,72%; tỷ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt toàn EVN đạt 97,32%.

Về chuyển đổi số, các đơn vị trong toàn EVN đã hoàn thành 86,5% kế hoạch thực hiện chuyển đổi số trong 2 năm 2021 - 2022; trong đó, có một số lĩnh vực đã hoàn thành với tỷ lệ cao như quản trị nội bộ đạt 98,98%, kinh doanh và dịch vụ khách hàng 97,56%, đầu tư xây dựng 94,8%…

Đức Dũng

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.