|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam

10:38 | 10/02/2020
Chia sẻ
Đây là kết quả khảo sát từ 858 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có định hướng mở rộng kinh doanh tại Việt Nam - Ảnh 1.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng (phải) và Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội Nakajima Takeo (trái). Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, ngày 6/2/2020, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đã làm việc với ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội.

Theo báo cáo kết quả khảo sát 858 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam, Trưởng đại diện JETRO cho biết trong năm 2019, số lượng các dự án đầu tư của Nhật Bản đăng kí tăng cao nhất từ trước đến nay với 655 dự án.

Bên cạnh đó, lợi nhuận kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản cũng tăng, nhất là các doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất tại Việt Nam trên 10 năm.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, gần 64% doanh nghiệp Nhật Bản phản hồi có định hướng mở rộng kinh doanh tại Việt Nam đứng đầu trong khu vực ASEAN. Ông Nakajima Takeo khẳng định, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn mong muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Trưởng đại diện JETRO cũng đưa ra một số điểm mà các doanh nghiệp nghiệp Nhật Bản quan ngại như chi phí nhân công của Việt Nam ngày càng tăng, thủ tục hành chính dù đã được giảm đi đáng kể so với trước những vẫn cần phải được cải tiến hơn nữa.

Ngoài ra, tỉ lệ nội địa hóa vẫn giữ ở mức 36,3 % mặc dù chỉ số tự động hóa trong sản xuất tại Việt Nam cao hơn nhiều quốc gia khác là 18,2%.

Thay mặt Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị phía JETRO cùng phối hợp với Bộ Công Thương trong việc tháo gỡ các khó khăn cụ thể như khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tìm các nhà cung ứng sản xuất linh kiện tại Việt Nam, giải quyết vấn đề về tỉ lệ nội địa hoá.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản năm 2019 đạt 39,9 tỉ USD, tăng 5,5% so với năm 2018.

Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản năm 2019 đạt 20,4 tỉ USD, tăng 8,4% so với năm 2018; nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản năm 2019 đạt 19,5 tỉ USD, tăng 2,6% so với năm 2018. Việt Nam xuất siêu sang Nhật Bản khoảng 722 triệu USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm: Hàng dệt may (đạt 4 tỉ USD, tăng 4,7%); phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 2,6 tỉ USD, tăng 4,1%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (đạt 1,94 tỉ USD, tăng 5,6%); hàng thủy sản (đạt 1,46 tỉ USD, tăng 5,8%); gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 1,33 tỉ USD, tăng 15,6%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 1,03 tỉ USD, tăng 26,5%); giày dép các loại (đạt 973,5 triệu USD, tăng 14,2%).

Các mặt hàng nhập khẩu chính: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (đạt 4,7 tỉ USD, tăng 5,8%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 4,5 tỉ USD, tăng 10,6%); sắt thép các loại (đạt 1,36 tỉ USD, giảm 14,6%), sản phẩm từ chất dẻo (đạt 841,3 triệu USD, giảm 3%); vải các loại (đạt 820 triệu USD, tăng 8,5%); linh kiện, phụ tùng ô tô (đạt 721,6 triệu USD, giảm 7,7%).

Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Mỹ, Trung Quốc) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Hàn Quốc).

Năm 2019, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với Nhật Bản chiếm 7,7% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới.

Trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và nhập khẩu từ Nhật Bản chiếm 7,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Ngọc Anh

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.