Nhiều cơ chế đặc thù cho TP HCM còn… trên giấy
UBND TPHCM cho biết việc triển khai các nội dung, đề án trong lĩnh vực tài chính, ngân sách theo tinh thần NQ 54 bước đầu đã đạt một số kết quả tích cực như phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô; phí bảo vệ môi trường từ nước thải công nghiệp; chính sách điều chỉnh mức thu học phí cho học sinh các bậc học.
Tuy nhiên, theo UBND TPHCM, hiện nay một số cơ chế, chính sách từ NQ 54 như quy định tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp; nguồn 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất; nguồn thu từ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) do UBND thành phố quản lý… vẫn chưa phù hợp với nhu cầu và khả năng của thành phố. Một số cơ chế chính sách đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Từ khi NQ 54 có hiệu lực thi hành (từ ngày 15/1/2018), TPHCM chưa được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của TPHCM do các đơn vị Trung ương chưa thực hiện các thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy hoạch...
Trước thực trạng trên, để tạo điều kiện cho TPHCM đáp ứng nhu cầu vay vốn trong khả năng trả nợ và giới hạn vay theo NQ 54, UBND TPHCM kiến nghị hàng năm, Quốc hội quyết định tổng mức vay và bội chi ngân sách TPHCM trên cơ sở nhu cầu và khả năng của TPHCM, đảm bảo tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.