|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhiệm vụ không dễ dàng cho VinFast tại Mỹ

08:56 | 13/01/2024
Chia sẻ
VinFast cần đảm bảo tuân thủ những quy định khắt khe trong nguồn gốc linh kiện và sản xuất để có thể nhận khoản tín dụng thuế của Mỹ.

Theo Chủ tịch VinFast Lê Thị Thu Thuỷ, công ty đang nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn để xe điện đủ điều kiện nhận khoản tín dụng thuế của Mỹ. Nhà máy VinFast tại Bắc Carolina sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2025.

Điều này có nghĩa là VinFast không chỉ cần hoàn thành đúng hạn việc xây dựng va vận hành nhà máy, mà còn phải thiết lập chuỗi cung ứng đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc sản xuất được quy định trong Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ - một dự luật về khí hậu quan trọng của Tổng thống Joe Biden.

 Bà Lê Thị Thu Thuỷ. (Ảnh: Ore Huiying/Bloomberg).

Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng, đặc biệt khi các nhà sản xuất xe hơi lớn đã gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về nguồn gốc các thành phần pin.

"Mục tiêu của chúng tôi là tuân thủ Đạo luật Giảm lạm phát và đủ điều kiện nhận ưu đãi thuế," bà Thủy cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg

"Chuỗi cung ứng đang được xây dựng để phục vụ hoạt động sản xuất của chúng tôi tại Việt Nam. Hầu hết các nhà cung cấp của chúng tôi là các nhà cung cấp toàn cầu. Việc chuyển họ đến đây hoặc di chuyển các dây chuyền sản xuất không phải là một thách thức lớn. Nó không quá khó”.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, ngay cả đối với các nhà sản xuất ô tô vốn đã có dây chuyền sản xuất xe điện ở Mỹ, việc đáp ứng các yêu cầu vẫn rất khó khăn. Số lượng mẫu xe đủ điều kiện nhận tín dụng gần như giảm một nửa vào đầu năm nay, khi các quy định của Bộ Tài chính Mỹ được hoàn thiện vào tháng 12 bắt đầu có hiệu lực.

Đạo luật Giảm lạm phát nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng xe điện bằng cách giảm thiểu việc các nhà sản xuất ô tô sử dụng các thành phần pin do các công ty Trung Quốc sản xuất hoặc do Bắc Kinh nắm ít nhất 25% cổ phần. 

Các yêu cầu sẽ càng trở nên khắt khe hơn vào năm 2025, khi quy định mở rộng sang cả các nhà cung cấp nguyên liệu pin thô như niken và lithium.

Tùy thuộc vào các yếu tố như thành phần pin và lắp ráp cuối cùng diễn ra ở Bắc Mỹ, xe điện có thể đủ điều kiện nhận khoản tín dụng thuế 7.500 USD/xe hoặc 3.750 USD/xe.

Việc VinFast gia nhập nhóm vận động hành lang này cho thấy hãng xe Việt Nam đang muốn khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế. Nhóm vận động hành lang này sẽ giúp VinFast tiếp cận với các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư và các cơ quan truyền thông, từ đó thúc đẩy sự phát triển của hãng xe Việt Nam trên toàn cầu.

Để thúc đẩy nỗ lực của mình với các quan chức chính phủ Mỹ, VinFast đã gia nhập nhóm lobby (vận động hành lang - pv) ngành công nghiệp xe hơi Alliance for Automotive Innovation trong tháng này. 

Trong khi đó, VinFast tiếp tục công bố những kế hoạch có tham vọng lớn hơn.

Trong quý này, công ty sẽ bán ra cùng lúc mẫu xe điện thể thao đa dụng VF 8 hiện có với một chiếc SUV có kích thước lớn VF 9, giá khởi điểm từ 80.000 USD. 

Cuối năm nay, VinFast sẽ ra mắt những mẫu xe điện tầm trung VF 6 và VF 7 tại Mỹ. Bà Thuỷ cũng cho biết nhà sản xuất xe điện của Việt Nam dự kiến sẽ đưa mẫu mini EV VF 3 ra thị trường trong năm tới.

Năm ngoái, chiếc VinFast VF 8 có giá khởi điểm từ 46.000 USD bắt đầu được bán ra với số lượng nhỏ tại California.

Chủ tịch VinFast cho biết thêm hãng xe cũng đang lên kế hoạch ký hợp đồng với ít nhất 100 đại lý để phân phối xe điện của mình tại thị trường Bắc Mỹ.

VinFast đang xây dựng nhà máy trị giá 4 tỷ USD tại Bắc Carolina, nhận được khoản hỗ trợ trị giá 1,2 tỷ USD của bang này. Khi đi vào hoạt động, nhà máy dự kiến có công suất 150.000 xe một năm.

Tại Mỹ, các công ty khởi nghiệp xe điện đang gặp khó khăn trong sản xuất và tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng chậm lại. 

Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/1 giờ Mỹ, cổ phiếu VinFast (Nasdaq: VFS) giảm 2,51% xuống 6,59 USD/cp, vốn hóa công ty ở mức 15,4 tỷ USD, đứng thứ 25 trong danh sách những hãng xe lớn nhất thế giới.

 Diễn biến giá cổ phiếu VFS trong ba tháng trở lại đây. (Nguồn: TradingView).

Đức Huy

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.