Nhập khẩu phân bón: Giấy phép tự động nhưng không 'tự động'
Muốn được cấp phép NK tự động mặt hàng phân bón, DN phải gửi 1 bộ hồ sơ đăng ký cấp giấy phép NK tự động tới địa chỉ cơ quan cấp phép theo đường bưu điện. Ảnh: ST. |
Lợi chưa thấy, hại đã ập đến
Năm 2014, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 35/2014/TT-BCT quy định việc áp dụng chế độ cấp giấy phép NK tự động đối với một số mặt hàng phân bón (gồm phân ure, phân khoáng hoặc phân hoá học có chứa 3 nguyên tố cấu thành nitơ, phospho và kali). Thời điểm Thông tư ra đời, đại diện của Bộ Công Thương cho rằng, trong nước đã đảm bảo nguồn cung phân ure, NPK nên cần có biện pháp để duy trì sản xuất trong nước. Do vậy, Thông tư 35 ra đời để phục vụ cho mục đích đó.
Tuy nhiên, từ lúc chưa ra đời cho đến nay (hơn 2 năm kể từ khi thông tư có hiệu lực- 1-12-2014), DN vẫn không ngừng “kêu” Thông tư 35 gây thêm khó khăn cho DN chứ không có tác dụng gì và kiến nghị bỏ quy định này. Mặc dù phía cơ quan quản lý khẳng định, nếu đáp ứng đủ hồ sơ thì chỉ trong 7 ngày làm việc, DN sẽ được cấp phép, không tạo ra rào cản. Việc cấp phép thực chất chỉ kiểm soát đăng ký số lượng mà thôi.
Theo quy trình, muốn được cấp phép, DN phải gửi 1 bộ hồ sơ đăng ký cấp giấy phép NK tự động tới địa chỉ cơ quan cấp phép theo đường bưu điện. Ngày tiếp nhận hồ sơ được tính theo ngày ghi trên dấu công văn đến và thời hạn cấp giấy phép NK tự động là 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan cấp phép có văn bản yêu cầu thương nhân bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Giấy phép NK tự động được gửi cho thương nhân qua đường bưu điện theo địa chỉ ghi trên đơn đăng ký.
Trên thực tế, quy trình xin giấy phép này khiến DN tốn thêm thời gian và mất thêm chi phí. Phó Giám đốc Công ty XNK Hà Anh cho biết, khi mua hàng, chất lên tàu, DN mới gửi hồ sơ qua đường bưu điện và chờ Bộ Công Thương xem xét cấp phép trong 7 ngày. Sau đó, Bộ Công Thương cũng chỉ trả giấy phép qua đường bưu điện. Nhẩm tính sơ sơ, trong trường hợp hồ sơ hợp lệ, thời gian DN nhận được giấy cấp phép cũng mất khoảng 10 ngày. Trong khi đó, hàng NK từ Trung Quốc chỉ mất 4-5 ngày. “Hàng cập cảng nhưng chưa xin được giấy phép thì đương nhiên DN sẽ phải mất thêm chi phí khoảng 4.000-6.000 USD/ngày, tùy theo từng loại tàu”, vị này cho hay.
Không chỉ vậy, một số DN còn nêu, yêu cầu trong bộ hồ sơ cũng “đánh đố” DN, đồng thời khuyến khích DN làm trái luật bởi theo quy định mặt hàng cần giấy phép, DN phải có giấy phép mới được tiến hành NK. Thông tư 35 yêu cầu DN nộp các giấy tờ như: Đơn đăng ký NK tự động; giấy chứng nhận đăng ký DN hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; hợp đồng NK hoặc các văn bản có giá trị tương đương hợp đồng; hóa đơn thương mại; tín dụng thư (L/C) hoặc chứng từ thanh toán; vận tải đơn hoặc chứng từ vận tải của lô hàng NK.
Bỏ?
Khi cung cấp được vận tải đơn hoặc chứng từ vận tải của lô hàng NK cũng đồng nghĩa với việc hàng NK đã được khách hàng nước ngoài thực hiện nghĩa vụ ký xong hợp đồng mua bán. Do vậy, DN có thể gặp rủi ro mất tiền nếu không được cấp giấy NK tự động.
Với những lý lẽ trên, đại diện cho các DN, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã lên tiếng phản đối Thông tư 35. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội này cho biết, mới đây, Hiệp hội đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương kiến nghị bỏ Thông tư này.
Điều đáng mừng, Bộ NN&PTNT vừa có công văn phúc đáp đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về việc bãi bỏ chế độ cấp giấy phép NK tự động và không quy định cửa NK đối với mặt hàng phân bón ure, phân khoáng hoặc phân hoá học có chứa 3 nguyên tố cấu thành nitơ, phospho và kali. Theo Bộ NN&PTNT, điều này là để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo tinh thần của Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP và phù hợp với Nghị định số 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài.
Ông Thúy thông tin thêm, hiện Thủ tướng đã đồng ý vấn đề này rồi nhưng chúng tôi vẫn đang chờ văn bản chính thức. Nhiều DN vui mừng ra mặt và bày tỏ thái độ rất ủng hộ quyết định bãi bỏ việc cấp phép NK tự động với một số mặt hàng phân bón bởi Thông tư 35 ra đời giống như một hàng rào kỹ thuật nhưng lại không giải quyết được vấn đề gì. Nếu rào cản này được tháo thì DN sẽ giảm gánh nặng về thời gian, chi phí… để thực hiện thủ tục “tự động” đầy tính thủ công này. Trong dòng cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính của Bộ Công Thương, DN phân bón đang chờ được “cởi trói”.