Nhập khẩu cá tra của Mỹ tăng, nhập khẩu tôm giảm
Nhập khẩu cá tra tăng
Theo số liệu mới nhất từ Cục Nghề cá biển Quốc gia Mỹ (NMFS), 7 tháng đầu năm nay, nhập khẩu cá tra của Mỹ tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước với mức giá nhập khẩu giảm.
Tính đến hết tháng 7/2016, khối lượng cá tra nhập khẩu vào Mỹ đạt 77.972 tấn, tăng 15,6% so với 67.425 tấn cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này cùng kỳ đạt 237 triệu USD, tăng 7% so với 220,4 triệu USD cùng kỳ năm ngoái, cho thấy mức giá bình quân giảm.
Phần lớn sản phẩm cá tra nhập khẩu vào Mỹ ở dạng philê đông lạnh. Việt Nam là nước cung cấp chủ yếu.
7 tháng đầu năm nay, nhập khẩu cá tra của Mỹ từ Việt Nam đạt 75.025 tấn, trị giá 215,9 triệu USD, tăng so với 63,642 tấn và 198,1 triệu USD cùng kỳ năm năm 2015.
Giá trị nhập khẩu tôm giảm
Cũng theo số liệu của NMFS, nhập khẩu tôm vào Mỹ 7 tháng đầu năm 2016 tăng nhẹ về khối lượng nhưng giảm về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, nhập khẩu tôm của Mỹ 7 tháng đầu năm 2016 đạt 317.309 tấn, trị giá 2,88 tỷ USD, tăng 0,5% khối lượng nhưng giảm 4,7% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh nguyên vỏ đạt 117.767 tấn, trị giá 1,06 tỷ USD, giảm 1,7% khối lượng và 4,23% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong phân khúc mặt hàng này, kích cỡ phổ biến nhất là 21/25 với 21.098 tấn (trị giá 199,8 triệu USD) và 31/40 với 20.511 tấn (trị giá 160,3 triệu USD). Đối với kích cỡ 26/30, khối lượng nhập khẩu đạt 17.029 tấn, trị giá 147,6 triệu USD.
Mỹ nhập khẩu 131.063 tấn tôm nước ấm đông lạnh lột vỏ, trị giá 1,2 tỷ USD; tăng 5,9% khối lượng và tương đương về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái do giá giảm. Mặt hàng này chủ yếu được nhập khẩu từ Ấn Độ với 40.742 tấn, trị giá 384,8 triệu USD và Indonesia với 32.418 tấn, trị giá 299,8 triệu USD.
Nhập khẩu tôm đông lạnh bao bột vào Mỹ lần lượt giảm 12% và 21% về khối lượng và giá trị xuống 23.687 tấn, trị giá 165,7 triệu USD. Hơn một nửa khối lượng nhập khẩu mặt hàng đến từ Trung Quốc với 13.216 tấn, trị giá 79,1 triệu USD.
Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ gặp khó
Theo số liệu của NMFS, 7 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam đạt 31.411 tấn, trị giá 336,96 triệu USD.
Xuất khẩu tôm của Việt Nam được dự đoán sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới, nhất là sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa ra mức thuế chống bán phá giá tôm khá cao so với phán quyết sơ bộ.
Theo kết luận cuối cùng của đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá tôm lần thứ 10 (POR10) cho giai đoạn từ 1/2/2014 đến 31/1/2015 mà DOC đưa ra hôm 7/9/2016, mức thuế chống bán phá giá của 32 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm vào Mỹ đều là 4,78%, chỉ có Công ty Minh Phú thoát khỏi vụ điều tra hưởng mức thuế 0%.
Mức thuế đa số các doanh nghiệp tôm Việt Nam phải chịu lần này cao hơn mức thuế suất trong kết luận sơ bộ mà DOC đưa ra vào tháng 3/2016, chỉ ở mức 3,56%.
So với POR9, mức thuế cuối cùng của POR10 đã bị tăng lên đáng kể, từ 0,91% lên tới 4,78% đối với cả công ty bị đơn bắt buộc và tự nguyện.
Tuy vậy, theo nhận định của VASEP, mức thuế POR10 sẽ chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của doanh nghiệp và người nuôi trong giai đoạn ngắn hạn, còn sau đó xuất khẩu tôm sẽ phục hồi theo nhu cầu của thị trường.
Hiện nhu cầu tiêu thụ tôm ở Mỹ đang tăng do chuẩn bị vào lễ Noel và năm mới. Các nguồn cung tôm chủ yếu cho thị trường này như Ấn Độ, Thái Lan… lại bị sụt giảm sản lượng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, khả năng các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng cho thị trường này hiện cũng khá tốt.
VASEP dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam sang các thị trường trong năm nay sẽ đạt khoảng 3,2 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2015.