|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 29/11: Tiếp tục đà tăng

19:44 | 28/11/2023
Chia sẻ
Nhận định thị trường chứng khoán ngày 29/11: Theo dự báo của công ty chứng khoán, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên kế tiếp và VN-Index có thể tiếp tục giằng co quanh đường trung bình 20 phiên.

Tổng hợp thị trường chứng khoán phiên (28/11) 

Thị trường giảm điểm trong phiên sáng trước khi quay đầu tăng trong phiên chiều và kết phiên tại mốc 1,095.43 điểm, tăng hơn 7 điểm so với hôm qua. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 16/18 ngành tăng điểm, trong đó ngành Bảo hiểm dẫn đầu đà tăng, theo sau là tài nguyên cơ bản. Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này mua ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX.

 Thống kê giá trị giao dịch trên HOSE. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp). 

Nhận định thị trường chứng khoán ngày mai (29/11)

Nhận định chứng khoán cơ sở

Chứng khoán BIDV (BSC)

Sau ba phiên VN-Index vẫn chưa thể vượt qua vùng kháng cự 1.095 - 1.100, cho thấy lực cản ở ngưỡng này khá lớn. Nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng trong những phiên tới.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

VN-Index diễn biến rung lắc trong phiên trước khi hồi phục và đảo chiều tăng điểm về cuối phiên. Lực cầu một lần nữa cho phản ứng tích cực tại quanh ngưỡng hỗ trợ gần 1.065 (+-10) đã giúp cho chỉ số đảo chiều hồi phục ngay trong phiên, đồng thời cho thấy sự chủ động nhập cuộc của phe mua khi VN-Index điều chỉnh về các ngưỡng hỗ trợ.

Mặc dù vậy, với việc xu hướng giảm điểm vẫn đang đóng vai trò chủ đạo và các chỉ báo kỹ thuật trên khung ngày vẫn đang cho nhiều tín hiệu kém khả quan hơn, nhiều khả năng chỉ số sẽ gặp áp lực điều chỉnh đáng kể trở lại quanh ngưỡng kháng cự gần 1.115 (+-5).

Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp hồi phục sớm và chỉ trải lệnh mở mua với tỷ trọng nhỏ quanh ngưỡng hỗ trợ gần 1.065 (+-10) và xa hơn tại 1.000 (+-15).

Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)

Thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên kế tiếp và VN-Index có thể tiếp tục giằng co quanh đường trung bình 20 phiên. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên thị trường có thể sẽ còn tiếp tục giằng co với các phiên tăng giảm đan xen và thanh khoản có thể vẫn ở mức thấp.

Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm cho thấy các nhà đầu tư vẫn bi quan với diễn biến thị trường hiện tại.

Nhận định chứng khoán phái sinh

 Thống kê giao dịch phái sinh phiên 28/11. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp). 

Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)

VN30F2312 bật tăng trở lại và đồ thị giá có dấu hiệu kết thúc sóng điều chỉnh dạng Zigzag (A-B-C) của nhịp giảm từ 1.141 điểm. các chỉ báo động lượng có sự điều chỉnh nhẹ khi tiến vào vùng quá mua nhưng chưa tiêu cực cho thấy đà hồi phục có thể tiến lên vùng 1.095 - 1.097 điểm trước khi có diễn biến mới.

Đồng thời, xu hướng ngắn hạn khung Daily của HĐ VN30F2312 đang ở mức đi ngang với vùng 1.100 - 1.124 điểm đang là kháng cự mạnh cho giá trong khi 1.058 - 1.070 điểm là vùng hỗ trợ ngắn hạn. Nhà đầu tư xem xét chiến lược Mua (Long) quanh vùng giá 1.084 điểm, dừng lỗ 1.079 và chốt lời 1.095 - 1.097 điểm. Vị thế Bán (Short) xem xét khi giá không vượt được 1.096 - 1.097 điểm, dừng lỗ 1.098 điểm. 

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

F1 diễn biến rung lắc trong phiên trước khi hồi phục và đảo chiều tăng điểm về cuối phiên. Lực cầu một lần nữa cho phản ứng tích cực tại quanh ngưỡng hỗ trợ gần 1.065 (+-10) đã giúp cho F1 đảo chiều hồi phục ngay trong phiên, đồng thời cho thấy sự chủ động nhập cuộc của phe mua khi F1 điều chỉnh về các ngưỡng hỗ trợ.

Mặc dù vậy, với việc xu hướng giảm điểm vẫn đang đóng vai trò chủ đạo và các chỉ báo kỹ thuật trên khung ngày vẫn đang cho nhiều tín hiệu kém khả quan hơn, nhiều khả năng F1 sẽ gặp áp lực điều chỉnh đáng kể trở lại quanh ngưỡng kháng cự gần 1.115 (+-5).

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

 

Thu Thảo

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.