Nhận định thị trường 2019 khó khăn, chứng khoán Rồng Việt vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 41%
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (Mã: VDS) mới đây công bố tài liệu họp Đại hội cổ đông năm 2019 dự kiến tổ chức tại Continental, quận 1, TP HCM.
Trong báo cáo hoạt động năm 2018 và định hướng 2019, Rồng Việt đã đưa ra một số phân tích và dự báo cho tình hình vĩ mô cũng như thị trường chứng khoán năm nay.
Đối với tình hình kinh tế thế giới, trong năm 2019, một số rủi ro chính đối với môi trường kinh tế toàn cầu là căng thẳng và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn diễn biến khó lường trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại vẫn có chiều hướng gia tăng; tăng trưởng giảm tốc ở một số nền kinh tế chủ chốt (Trung Quốc); rủi ro gia tăng trên thị trường tài chính toàn cầu trước những điều chỉnh chính sách tài chính, tiền tệ, cải cách thuế của các nền kinh tế lớn; …
Một số rủi ro khác là khả năng đảo chiều của dòng vốn đầu tư nước ngoài ở các thị trường mới nổi; tiến triển chậm trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách cơ cấu ở nhiều nền kinh tế; giá dầu biến động khó lường trong bối cảnh gia tăng bất định ở khu vực Trung Đông; biến đổi khí hậu toàn cầu diễn biến phức tạp.
Về nền kinh tế Việt Nam, Rồng Việt cho rằng năm 2019 tiếp tục được hưởng lợi nhờ triển vọng lạc quan về tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu, các yếu tố tích cực nội tại như môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn; niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư kinh doanh ít nhiều được củng cố.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro rất lớn. Với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế với xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng, giá cả những vật liệu chính có thể tăng mạnh, đặc biệt là dầu mỏ. Điều này có thể gây áp lực lớn lên tỷ giá và lạm phát của Việt Nam.
Đồng thời, với qui mô kinh tế nhỏ, việc ứng phó với các biến động trong tương lai của Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn hơn bởi dư địa tài chính, tiền tệ hạn hẹp, diễn biến thị trường ngoại hối khó lường. Song song đó là những thách thức đến từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế như trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần bị suy giảm, trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá.
Động lực tăng trưởng truyền thống của nền kinh tế trong nhiều năm qua là vốn đầu tư và công nghiệp khai khoáng đã không còn nhiều dư địa. Khu vực FDI trong các năm 2019-2020 chưa có các dự án sản xuất qui mô lớn đi vào hoạt động có thể hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng như năm 2017, 2018.
Về thị trường chứng khoán Việt Nam, Rồng Việt cho rằng với nhiều yếu tố khó đoán định gây ra bởi căng thẳng địa chính trị và thương mại, hầu hết các tổ chức phân tích đều đồng thuận rằng nền kinh tế toàn cầu đang bước vào cuối chu kì tăng trưởng và năm 2019 có thể là một năm tương đối khó khăn đối với thị trường chứng khoán.
Hơn nữa, sự giảm dần của các gói nới lỏng tiền tệ và kích thích tài khóa đang diễn ra trên toàn cầu, khả năng dòng tiền nước ngoài đổ vào các thị trường cận biên như Việt Nam sẽ không cao như những năm trước.
Câu chuyện thăng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi có thể là điểm tích cực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư ở một vài thời điểm trong năm. Điều này sẽ khiến giá và thanh khoản thị trường biến động nhiều hơn.
Năm 2018 không đạt mục tiêu, Rồng Việt đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận gần 41%
Năm 2019, trước nhận định nền kinh tế vẫn sẽ có nhiều triển vọng tiếp tục đi lên, tuy nhiên cũng sẽ phải đối mặt với nhiều bất ổn khó lường, Ban Điều hành của Rồng Việt đề ra mục tiêu phát triển ổn định với kế hoạch lợi nhuận tương đối thận trọng.
Rồng Việt xác định sẽ giảm bớt kì vọng vào hoạt động đầu tư tự doanh, vốn chịu tác động rất lớn từ biến động của thị trường và tập trung cho các mảng hoạt động dịch vụ như dịch vụ chứng khoán, môi giới, ngân hàng đầu tư thông qua việc nỗ lực đáp ứng tốt nhất các yêu cầu từ nhà đầu tư.
Cụ thể, năm 2019 Rồng Việt đặt mục tiêu giữ nguyên vốn điều lệ ở mức 1.010 tỉ đồng như hiện nay, phấn đấu đạt lợi nhuận trước thuế 120 tỉ đồng, tăng trưởng gần 41% so với thực hiện năm 2018. Cổ tức dự kiến 8%.
Năm 2018, Rồng Việt đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 180 tỉ đồng nhưng thực tế chỉ đạt 85 tỉ đồng, hoàn thành 47,3%.
Kết quả kinh doanh năm 2018 và kế hoạch năm 2019 của Rồng Việt. Có thể thấy, trong năm qua, Rồng Việt không hoàn thành cả mục tiêu doanh thu lẫn lợi nhuận. Nguồn: Rồng Việt.
Công ty cũng dự kiến thanh khoản của thị trường đạt 6.200-6.500 tỉ đồng/phiên giao dịch, trong đó Rồng Việt chiếm khoảng 2,14-2,2% thị phần.
Ở mảng dịch vụ chứng khoán, dư nợ cho vay margin của Rồng Việt dự kiến đạt bình quân 1.800-1.900 tỉ đồng, dư nợ cho vay ứng trước binh quân 110-120 tỉ đồng.
Ở mảng đầu tư, công ty có kế hoạch giảm bớt giá trị danh mục đầu tư xuống còn khoảng 200-250 tỉ đồng so với mức 300 tỉ đồng vào cuối năm 2018, phấn đấu doanh thu tự doanh cả năm đạt 50 tỉ đồng.
Ở mảng ngân hàng đầu tư, Rồng Việt dự kiến sẽ sử dụng ngân sách khoảng 100 tỉ đồng để hỗ trợ cho các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng đầu tư, hoạt động bảo lãnh, đầu tư vốn mồi, phấn đấu doanh thu ngân hàng đầu tư cả năm là 15 tỉ đồng.