\"Nhà phân phối nước ngoài phải cam kết bán 80% hàng Việt\"
Bà Lê Việt Nga trình bày về cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Ảnh: Lê Linh |
Thời gian vừa qua, thị trường bán lẻ Việt Nam xuất hiện khá nhiều các thương vụ thâu tóm, sáp nhập từ các Tập đoàn lớn của nước ngoài như Tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) của Thái Lan mua chuỗi FamilyMart hay mua chuỗi siêu thị Metro Cash&Carry Việt Nam... Gần đây nhất phải kể đến thương vụ thâu tóm thị trường bán lẻ Việt khi Central Group (Thái Lan) mua lại BigC Việt Nam. Nhiều người lo ngại hàng hóa Thái Lan sẽ chiếm lĩnh thị trường Việt, thậm chí còn dự đoán sẽ có làn sóng Thái hóa thị trường bán lẻ Việt Nam.
Trao đổi với VietnamBiz về vấn đề này bên lề Hội thảo “Tăng cường hợp tác công – tư” diễn ra vào sáng ngày 25/8, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết sau khi các nhà phân phối nước ngoài ồ ạt vào thị trường bán lẻ Việt Nam, thống kê của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho thấy, tỉ lệ hàng Việt trong hệ thống vẫn giữ nguyên so với trước đây.
“Nhà nước vừa vận động, vừa yêu cầu các nhà phân phối nước ngoài phải cam kết giữ tỉ lệ 80% hàng Việt trong hệ thống bán lẻ của mình tại Việt Nam. Các nhà phân phối nước ngoài cũng thuộc đối tượng trong cuộc vận động dùng hàng Việt", bà Nga nhấn mạnh.
Các hệ thống bán lẻ nước ngoài vẫn tạo khoảng không khá lớn cho hàng Việt. Ảnh minh họa |
Theo bà Nga, khi gia nhập thị trường Việt Nam, dù muốn dù không thì các “vị khách” vẫn phải tuân theo Luật Quản lí Cạnh tranh, Luật Quản lí giá. Trong khi đó, tất cả các Bộ liên quan (Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…) đều tham gia vào công tác quản lí, tham gia vào việc thanh tra, kiểm tra liên tục. Điều này tạo khung để kiểm soát các nhà phân phối nước ngoài về tỉ trọng hàng ngoại nhập và chất lượng của hàng hóa.
Vì vậy, bà Nga cho rằng nhiều hệ thống bán lẻ nước ngoài (Aeon, Big C…) vẫn dành không gian khá lớn cho hàng Việt Nam. Các “ông chủ ngoại” ý thức được hàng Việt dễ lấy được thiện cảm với khách hàng, phù hợp với nhu cầu nhất định của người dân trong nước và quan trọng nhất là đem lại nguồn lợi nhuận đáng kể.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước khẳng định, trong cuộc chơi chung giữa các nước thời toàn cầu hóa, giao lưu kinh tế là tất yếu. Song, tỉ lệ hàng hóa phải duy trì như thế nào để đảm bảo công ăn việc làm cho người dân, đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển. Đó là trách nhiệm của Nhà nước.
Do đó, để bức tranh tiêu dùng hàng Việt khởi sắc hơn, theo bà Nga cần có sự “chung tay” của tất cả các cấp quản lý: Nhà nước quản lí tạo môi trường minh bạch, doanh nghiệp nâng cao chất lượng hàng hóa và người dân tích cực ủng hộ hàng Việt.