Nhà nước sẽ không còn quản lý ngành thép bằng quy hoạch
Sản xuất thép không còn cần đến quy hoạch ngành nữa (Ảnh:TL) |
Văn bản của VSA do Phó chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Văn Sưa ký nêu rõ: theo dự thảo Luật quy hoạch đang được Chính phủ trình Quốc hội, các ngành kinh tế, trong đó có ngành thép, nhà nước sẽ không quản lý bằng quy hoạch mà quản lý bằng các luật khác như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật tiêu chuẩn và chất lượng, Luật bảo vệ môi trường… Vì vậy quy hoạch này sẽ chỉ có tính tham khảo với doanh nghiệp trước khi ra quyết định đầu tư. Còn việc cấp phép đầu tư sẽ phải có ý kiến của các bộ ngành liên quan, chứ không riêng gì Bộ Công Thương.
Đúng là theo dự thảo Luật quy hoạch, sẽ chỉ có 21 ngành cần lập quy hoạch cấp quốc gia vì liên quan đến sử dụng tài nguyên biển, hạ tầng quy mô rất lớn. Hầu hết các ngành khác, trong đó có ngành thép, trách nhiệm lập quy hoạch trước thuộc Bộ Công Thương nay không còn phải thực hiện nữa. Dự luật này được thảo luận rộng rãi tại Thường vụ Quốc hội và Quốc hội từ tháng 9 đến nay, bãi bỏ quy hoạch nhưng Bộ Công Thương vẫn làm và lấy ý kiến các nơi.
Cũng theo VSA, phát triển ngành thép hiện nay không nên khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các dự án thép thông thường vì đang thừa thải mà chỉ nên khuyến khích đầu tư vào các dự án sản xuất thép hợp kim, chất lượng cao. VSA nói rằng, đến nay các nhà đầu tư trong nước đã có đủ khả năng đầu tư vào các dự án liên hợp thép quy mô từ 4 đến 7 triệu tấn/năm. Hiện các nhà đầu tư nước ngoài đã chiếm tỷ trọng cao trong ngành thép nên không cần khuyến khích .
VSA cũng lưu ý Bộ Công Thương là điều chỉnh bản quy hoạch mà không có mục tiêu phát triển ngành sản xuất thép cán nóng, thép chất lượng cao là một thiếu sót lớn, vì đây là các mặt hàng mà Việt Nam đang phải nhập siêu gần như 100%, trong khi đó lại tiếp tục phát triển các dự án thép xây dựng, phôi thép thông thường.
Điều đáng nói là trong bản dự thảo quy hoạch của Bộ Công Thương, dự án ngàn tỉ có tên “Dự án mở rộng giai đoạn II nhà máy gang thép Thái Nguyên” hiện đang thua lỗ, không đi vào sản xuất, trên thực tế là của Tổng công ty Thép Việt Nam và các cổ đông khác góp vốn lại bị liệt vào danh sách chưa có chủ đầu tư là không đúng. Hiện Chính phủ và Bộ Công Thương đang tìm cách tháo gỡ cho dự án này nhưng chưa có lối thoát rõ ràng. VSA đề nghị cần có hướng giải quyết dứt điểm dự án này đồng thời loại bỏ các dự án kiểu đầu tư tương tự nhưng chưa triển khai, kể cả các dự án còn lại trong giai đoạn 2017-2025 nếu không khả thi