|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhà nước chỉ nắm 100% vốn ở các doanh nghiệp then chốt

20:58 | 06/12/2016
Chia sẻ
Chính phủ chỉ đạo doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo cơ chế thị trường; bảo đảm công khai, minh bạch, có hiệu quả, tránh thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Chiều nay (6/12), Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng.

Về mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ xác định, doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn và cổ phần chi phối chỉ duy trì trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo cơ chế thị trường; bảo đảm công khai, minh bạch, có hiệu quả, tránh thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước. Qua đó, thực hiện xã hội hóa và phân bổ lại theo cơ chế thị trường các nguồn lực của Nhà nước về nhân lực, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, các yếu tố về độc quyền tự nhiên và lợi thế khác để tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân, tạo động lực nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu xác định rõ doanh nghiệp nào Nhà nước cần thoái vốn và doanh nghiệp nào không cần nắm cổ phần chi phối? Cơ chế chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn đã được ban hành có còn phù hợp không? Những vấn đề nào mới đặt tra trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn (chọn nhà đầu tư chiến lược, chọn nhà tư vấn, thoái vốn theo lô, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quá trình cổ phần hóa ...)? Xử lý vấn đề đất đai trong quá trình cổ phần hóa? Việc sắp xếp lại, giải thể, phá sản doanh nghiệp? Thực hiện chính sách đối với lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp? Vấn đề tổ chức Đảng trong doanh nghiệp cổ phần hóa...

Nói về việc cổ phần hóa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Thủ tướng nhấn mạnh, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực truyền tải điện thì Nhà nước nắm 100%. Trong lĩnh vực phát điện, Nhà nước chỉ nắm một số nhà máy thủy điện lớn, có tính chất đại sự, liên quan đến an ninh, quốc phòng như Sơn La, Lai Châu,... còn lại cần đẩy mạnh cổ phần hóa.

Ủng hộ quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, đại diện thành phố Hà Nội đề xuất 4 nội dung thực hiện cổ phần hóa, trong đó nhấn mạnh những doanh nghiệp nào Nhà nước không cần nắm giữ thì khi cổ phần hóa nên bán toàn bộ 100% vốn. Ngoài ra, vị đại diện còn đề nghị sớm sửa đổi một số quy định hiện hành về cổ phần hóa, tiêu chí phân loại DNNN; khi cổ phần hóa cần có chế độ đãi ngộ phù hợp đối với người lao động muốn nghỉ hưu trước tuổi...

Khổng Chiêm