|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhà nước bảo đảm cho BOT không cẩn thận gánh nợ rất dài

22:02 | 16/09/2019
Chia sẻ
Hàng loạt câu hỏi về các dự án BOT được đặt ra, trong đó có cơ chế chia sẻ rủi ro nhà nước bảo đảm cho các chủ đầu tư khiến ĐBQH lo lắng.

Trình bày dự thảo luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) tại phiên họp UB Thường vụ QH chiều nay, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến nay có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng.

Trong đó, 140 dự án BOT, 188 dự án BT và 8 dự án áp dụng các loại hợp đồng khác. Qua đó huy động được hơn 1,6 triệu tỉ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia.

Nhà nước bảo đảm cho BOT không cẩn thận gánh nợ rất dài - Ảnh 1.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Chính phủ cho rằng các dự án PPP thời gian qua đã góp phần tích cực hoàn thiện số lượng, chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhìn nhận, thông qua các báo cáo thanh tra, kiểm toán đối với các dự án này và đặc biệt là báo cáo giám sát của đoàn giám sát thuộc UB Thường vụ QH cho thấy một số bất cập của các dự án BOT.

Có giai đoạn phát triển nóng đến mức phải nhìn lại

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển băn khoăn về cơ chế quản lý, trình tự thủ tục tiến hành đầu tư, bảo đảm nhà nước thế nào trong các dự án BOT. Nếu không cẩn thận đưa vào luật “bảo đảm búa xua” là khó khăn. Tất nhiên nhà đầu tư nào cũng muốn có sự chia sẻ rủi ro trong đầu tư.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển

“Chính nhà nước chia sẻ rủi ro đó thì quý quá cho nhà đầu tư, họ không bao giờ sợ bị “xù” cả. Nhưng liệu nhà nước có chịu được tất cả những bảo đảm đó không cũng là vấn đề phải tính kỹ”, ông cảnh báo.

Theo ông Hiển, những dự án PPP phần lớn là vắt qua vài chục năm, nhiều giai đoạn với sự thăng trầm của nền kinh tế. Vì vậy phải tính chứ không thể nhìn ngắn hạn được.

Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng về mặt quản lý, hình thức đầu tư BOT có những kết quả tích cực, nhưng có giai đoạn phát triển nóng đến mức độ phải nhìn lại.

“Đặc biệt, QH khóa 13,  Bộ GTVT phải dừng lại ngay các dự án BOT. Đây là vấn đề cần đánh giá”, ông Giàu nhấn mạnh và cho rằng đây là đạo luật rất lớn, chính sách kinh tế rất lớn, kể cả vấn đề xã hội cần phải thảo luận qua 3, 4 kỳ họp chứ không chỉ 2 kỳ.

Quốc tế làm BOT có rơi vào tình trạng như Việt Nam?

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cũng dành sự quan tâm đặc biệt với các dự án BOT bằng hàng loạt câu hỏi.

Cụ thể bà đề nghị, Bộ trưởng KH-ĐT cho biết, những hạn chế lớn nhất thời gian qua của các hình thức đầu tư này là gì? Tương ứng với từng hạn chế thì điểm nào trong luật khắc phục được?

“Ví dụ như BOT, ngay trong Ban chỉ đạo PCTN cũng đưa định hướng là tập trung vào BOT để kiểm tra công khai, minh bạch có tham nhũng không? Khắc phục bằng quy định nào?

Tại sao phần nhiều thu hút BOT là các dự án giao thông mà không thu hút được loại đầu tư khác? Điều đó nói lên cái gì để từ đó có quy định khắc phục”, Chủ nhiệm UB Tư pháp đặt vấn đề.

Bà Nga tiếp tục nêu thực tế liên quan đến BOT giao thông, cả 3 bên là nhà đầu tư, người dân, nhà nước đều có vướng mắc.

Cụ thể, nhà đầu tư thì kêu lỗ, người dân thì không chịu việc BOT đặt ở đường độc đạo, buộc họ phải đi. Trong khi đó, có chuyên gia tính toán thì không thể lỗ được mà nhà đầu tư vẫn kêu lỗ. Một số ngân hàng được nhà đầu tư đưa vào giống như làm con tin nếu không thì sẽ không trả nợ được cho ngân hàng.

Từ đó, Chủ nhiệm UB Tư pháp đề nghị Chính phủ trả lời xem quốc tế làm BOT có rơi vào tình trạng này không?

Nhà nước bảo đảm cho BOT không cẩn thận gánh nợ rất dài - Ảnh 2.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga

“Người ta làm có rơi vào tình trạng như anh Giàu (Chủ nhiệm UB Đối ngoại) nói là kinh tế có cả vấn đề xã hội không? Câu hỏi lớn nhất là giải quyết được những vấn đề gì trong thực tiễn thời gian vừa qua một cách cụ thể chứ không chung chung”, bà Nga nói.

Bà cũng băn khoăn đối với cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu: “Chúng tôi muốn biết lý do vì sao chúng ta lại đặt chia sẻ rủi ro về doanh thu đối với các dự án BOT”.

Cụ thể là ngoài rủi ro về thị trường thì nhà nước bảo đảm bằng các quyết định hành hành chính. Cho nên bây giờ nhà nước phải chia sẻ với nhà đầu tư như yêu cầu đặt lại trạm, xả trạm.

“Tôi cho rằng vấn đề này là trong hợp đồng. Bản chất BOT là hợp đồng, khi nhà nước ký vào nhưng ký đến mức cái chỗ người ta không đi mà bắt phải trả tiền thì phải điều chỉnh cho đúng chứ không phải trạm không hợp lý thì không được thu ở trạm đó nữa và lại tính đến chuyện nhà nước chia sẻ rủi ro”, Chủ nhiệm UB Tư pháp nói.

Bà cho rằng, cách quy định như thế không hợp lý vì khi làm hợp đồng đã không hợp lý. Việc nhà nước yêu cầu thay đổi trạm là nhà nước lại chia sẻ doanh thu; điều chỉnh… Do đó, phải thẩm tra kỹ, tổng kết kỹ việc này qua nhiều kỳ họp.

Do hết giờ nên những câu hỏi của bà Nga sẽ được Chính phủ trả lời bằng văn bản sau.



Thu Hằng