Tỷ phú ẩn danh, người sở hữu nhiều tiền điện tử nhất thế giới 'mất' 4 tỷ USD khi bitcoin lao dốc
Nhà giao dịch bitcoin giàu nhất thế giới đã mất 4 tỷ USD chỉ trong hơn một tháng qua, khi tài sản của tỷ phú này bị sụt giảm 100 triệu USD mỗi ngày trong bối cảnh toàn bộ thị trường tiền điện tử sụp đổ. Không chỉ tỷ phú này mà có tới 40% nhà đầu tư bitcoin bị cho là chịu lỗ nặng khi tài sản kỹ thuật số lớn nhất này giảm xuống dưới mức 30.000 USD vào ngày 10/5, theo news.com.au.
Tỷ phú bitcoin mất trắng 4 tỷ USD
Tỷ phú giấu tên được cho là cá nhân sở hữu tài sản tiền điện tử, bitcoin nhiều nhất thế giới, có tới hơn 252.000 đồng tiền kỹ thuật số vào cuối tháng 3/2022, trị giá 12 tỷ USD (theo BitInfoCharts). Thế nhưng khi thị trường tiền điện tử chao đảo và bitcoin giảm giá trị, tỷ phú này đã chứng kiến tài sản của mình bị cắt giảm không thương tiếc.
Khi giá trị của bitcoin rơi tự do, các nhà phân tích đã chỉ ra rằng số tiền điện tử của tỷ phú này đã giảm giá trị tới 4 tỷ USD trong 42 ngày qua. Và đó là tỷ lệ trung bình mỗi ngày người đàn ông này đã mất tời khoảng 100 triệu USD kể từ cuối tháng 3. Dĩ nhiên, ngay cả khi tài sản kỹ thuật số bị mất giá trị, người này vẫn rất giàu có – về mặt “kỹ thuật” thì vẫn giàu hơn tỷ phú người Anh James Dyson. Dù vậy, theo News.com.au, sự biến động giá trị tài sản của tỷ phú bitcoin phản ánh những rủi ro nhất định khi đầu tư vào tiền điện tử.
Thực tế, tài sản của nhà giao dịch bí ẩn này từng đạt đỉnh hơn 19 tỷ USD, với khoảng 288.000 bitcoin vào tháng 9/2021. Kể từ đó, ông đã bán ra khoảng 35.000 bitcoin khi giá đồng tiền điện tử này liên tục tăng, giảm và trượt dốc như hiện nay. Cuối cùng, ông đã chỉ còn khoảng 8 tỷ USD ở thời điểm hiện tại, sau khi bitcoin - vốn thường được coi là tiêu chuẩn vàng cho tiền điện tử - đã mất khoảng 50% giá trị chỉ trong 6 tháng.
Thị trường suy thoái phản ánh rủi ro trong đầu tư tiền điện tử
Tiền điện tử có thể rủi ro hơn các khoản đầu tư khác vì chúng dễ bay hơi và mang tính đầu cơ - giá của chúng thường tăng và giảm rất nhanh, đôi khi dường như không có lý do. Nhiều loại tiền điện tử chỉ mới được biết đến trong thời gian ngắn, khiến chúng khó hiểu và khó dự đoán.
Loại hình đầu tư này cũng không được cơ quan quản lý bảo vệ - hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới chưa thực sự có các quy định, chính xác rõ ràng về tiền ảo. Có nghĩa là, bạn sẽ không được bảo vệ nếu mọi thứ diễn ra không như ý muốn. Các nhà giao dịch tiền điện tử có thể có những đợt kiếm lời khủng hoặc phá sản đột ngột, chẳng hạn một nhà giao dịch từng tuyên bố đã mất hàng triệu USD tiền đầu tư, chỉ trong vòng chưa đầy 5 phút vì tiền ảo biến động.
Ví dụ, giá bitcoin đã giảm khoảng 5% chỉ trong ngày 10/5. Trước đó, vào hôm 6/5, đồng tiền điện tử này đã giảm xuống chỉ còn 36.141 USD. Tuy nhiên, đó chưa phải thấp nhất, bởi vì hôm 4/5 thì bitcoin thậm chí còn giảm xuống dưới 30.000 USD.
Thị trường chứng khoán nói chung là đi xuống, khi các nhà đầu tư bán tháo các tài sản rủi ro. Chứng khoán giảm điểm, bitcoin và các đồng tiền điện tử khác cũng suy thoái. Cùng ngày, ethereum cũng đã giảm hơn 4%, cardano giảm gần 5% và chính xác là solana đã giảm tới 6,31%. XRP và BNB không gặp nhiều khó khăn nhưng cũng đã giảm lần lượt 0,57% và 2,92% trong 24 giờ.
Đây là lần lao dốc mạnh nhất sau sự kiện hồi tháng 12/2021 – khi bitcoin đạt kỷ lục 69.000 USD/ đơn vị vào tháng 11 và quay đầu xuống cực thấp trong tháng 12. Thời điểm đó, một nhà giao dịch đã mất 5 tỷ USD.
Những “tai nạn” liên quan tới đầu tư bitcoin, tiền điện tử còn liên quan tới lừa đảo, tấn công mạng. Ví dụ, trong một đòn giáng khác gần đây đối với thị trường, người dùng trên nền tảng Crypto.com đã không thể truy cập tiền do "hoạt động trái phép" trên một số tài khoản.
Giám đốc tài chính của Twitter, Ned Segal cho biết vào cuối năm ngoái rằng đầu tư vào tiền điện tử “không có ý nghĩa ngay bây giờ”, gây ra lo ngại đối với những người mua. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã cấm tất cả các hoạt động khai thác, giao dịch tiền ảo. Những động thái của Trung Quốc cũng được cho là một trong các nguyên nhân khiến giá bitcoin đi xuống.
Hiện nay, tình trạng bất ổn ở Đông Âu khi mà cuộc xung đột Nga – Ukraine leo thang cũng là đòn giáng mạnh làm toàn bộ thị trường tiền điện tử sụt giảm vì các nhà đầu tư có xu hướng tránh xa các tài sản nhạy cảm với rủi ro trong thời gian không chắc chắn.