|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhà cung ứng Trung Quốc của Apple sa thải 8.000 nhân viên

06:56 | 02/08/2019
Chia sẻ
Tình hình tại O-Film Group, nhà cung ứng linh kiện máy ảnh và màn hình cảm ứng chính cho Apple, làm dấy lên lo ngại về việc liệu các hãng Trung Quốc đủ sức đứng vững trước thương chiến kéo dài với Mỹ hay không.
avatar_1564703629016

Ảnh: Reuters

South China Morning Post dẫn nguồn từ tờ Caixin cho hay O-Film vừa thông báo sa thải 8.000 nhân viên tại nhà máy ở tỉnh Giang Tây trong tuần này. Hãng gặp áp lực bởi triển vọng thị trường smartphone ảm đạm, tình hình cạnh tranh ngày càng khốc liệt và ảnh hưởng của thuế quan thương mại mà Mỹ và Trung Quốc đang áp lên nhau.

Lợi nhuận O-Film trượt mạnh trong năm nay. Công ty báo cáo lợi nhuận ròng trong nửa đầu năm nay tệ hơn kỳ vọng, giảm 91% xuống còn 21 triệu nhân dân tệ, tương đương 3 triệu USD. Dù vậy, doanh thu vẫn tăng khoảng 29,2% lên 23,6 tỉ nhân dân dân tệ.

Một số tổ chức tài chính đã bớt liên quan đến công ty. Đơn cử, ngân hàng cổ phần có trụ sở ở tỉnh Quảng Châu cho biết họ đang trong quá trình rút vốn đầu tư vào O-Film, vốn chủ yếu ở dạng trái phiếu doanh nghiệp. Nhiều ngân hàng đầu tư như Credit Suisse và Morgan Stanley hạ giá mục tiêu cổ phiếu O-Film trong tháng 5 sau khi hãng công bố kết quả kinh doanh thường niên.

Cao Zhongxiong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế mới tại Viện Phát triển Trung Quốc, cho hay: "Tôi lo ngại nhiều khó khăn mà O-Film đối mặt không phải là cá biệt. Ngành điện tử đang đứng trước áp lực lớn do nền kinh tế trong nước chậm lại và biến động từ bên ngoài".

Giữa tuần này, các nhà đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc kết thúc hai ngày đàm phán tại Thượng Hải mà không đạt được bước đột phá nào. Một số nhà phân tích cho rằng Đại lục chuyển sang chiến thuật kiên nhẫn hơn trong các cuộc đàm phán thương mại sau khi cuộc đàm phán vào tháng 5 đổ vỡ. Giờ đây, sự thiếu chắc chắn sẽ tập trung vào "sức khỏe" của mảng kinh doanh trong nước.

Những tuần gần đây, nhiều viện chính sách và quan chức Trung Quốc đi khắp tỉnh thành để đánh giá xem liệu nền kinh tế quốc nội có chịu được tranh chấp thương mại với Mỹ hay không. 

Nhà phân tích Iris Pang tại ING Bank cho rằng rất khó để đánh giá tác động của thương chiến lên nền kinh tế. Dù vậy, ông nhận định ngành công nghệ, từ chất bán dẫn cho đến phần mềm, sẽ đón nhiều khó khăn lớn nhất.

Ảnh: Reuters