|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nguyên Tổng Giám đốc VEAM bị đề nghị tuyên phạt từ 15-16 năm tù

20:10 | 20/05/2022
Chia sẻ
Chiều 20/5, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo trong vụ thất thoát tại VEAM.

Quang cảnh phiên tòa. (Ảnh: An Đăng - TTXVN).

Sau hơn hai ngày xét hỏi tại phiên tòa xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án thất thoát tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (viết tắt là VEAM), chiều 20/5, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Theo đó, bị cáo Trần Ngọc Hà (sinh năm 1964, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng Giám đốc VEAM) bị đề nghị tuyên phạt từ 15-16 năm tù, Lâm Chí Quang (sinh năm 1954, nguyên Tổng Giám đốc VEAM) từ 10-11 năm tù, Vũ Từ Công (sinh năm 1968, nguyên Kế toán trưởng VEAM) từ 8-9 năm tù, Đào Quốc Việt (sinh năm 1951, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần vận tải và thương mại VEAM – Vetranco) từ 13-14 năm tù, Trần Quang Tiến (sinh năm 1970, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Nam) từ 16-18 năm tù, Ngô Văn Tuyển (sinh năm 1960, nguyên Phó Tổng Giám đốc, Thành viên Hội đồng quản trị VEAM) từ 6-7 năm tù, Bùi Quốc Việt (sinh năm 1953, nguyên Trưởng Phòng Thị trường kinh doanh VEAM) từ 24-30 tháng tù treo, Ngô Văn Thịu (sinh năm 1963, Phó trưởng Phòng Thị trường - Kinh doanh VEAM) từ 4-5 năm tù, Nguyễn Thị Thu Hương (sinh năm 1962, nguyên Giám đốc Vetranco) từ 11-12 năm tù, Trần Thanh Thủy (sinh năm 1972, nguyên Trưởng Phòng Kế toán Vetranco) từ 24-30 tháng tù treo, Nguyễn Minh Tùng (sinh năm 1974, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần thương mại và đầu tư Bách Việt) từ 4-5 năm tù, Lương Xuân Trường (sinh năm 1971, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Minh Quang) từ 4-5 năm tù, Trần Anh Sơn (sinh năm 1974, nguyên Kế toán trưởng, người phụ trách Quản trị VEAM) từ 4-5 năm tù, Hoàng Văn Lẫm (sinh năm 1973, nguyên Phó trưởng Phòng Tài chính kế toán VEAM, Phó trưởng Phòng Kế hoạch VEAM) từ 24-30 tháng tù treo, Nguyễn Mạnh Chung (sinh năm 1977, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn máy kéo và máy nông nghiệp (Tamac), nguyên Trưởng Phòng Kỹ thuật đầu tư VEAM) từ 4-5 năm tù, Vũ Quang Tâm (sinh năm 1963, nguyên Phó Tổng Giám đốc VEAM) từ 24-30 tháng tù treo về cùng tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Riêng bị cáo Nguyễn Văn Khôi (sinh năm 1956, nguyên Trưởng Ban Kiểm soát, thành viên Hội đồng thành viên VEAM) bị đề nghị từ 24-30 tháng tù treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bản luận tội nêu rõ, trong vụ án này, các bị cáo được giao chức trách quan trọng, quản lý tài sản lớn của Nhà nước, đều có trình độ và trách nhiệm cao, hoàn toàn ý thức được hành vi, song vẫn thiếu trách nhiệm, để xảy ra sai phạm. Hành vi của các bị cáo gây thất thoát nghiêm trọng tài sản của Nhà nước, gây tác hại nặng nề với kinh tế và tiến trình phát triển chung của đất nước, ảnh hưởng tới quyền lợi người lao động và các cổ đông của VEAM. Các bị cáo cố tình thực hiện trái với các quy định của VEAM, gây thất thoát tài sản Nhà nước, tổng cộng hơn 380 tỷ đồng. Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, tác động gián tiếp quá trình phát triển nhanh và ổn định của nền kinh tế.

Trong số các bị cáo, bị cáo Trần Ngọc Hà có vai trò chính, thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần. Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo Hà trực tiếp gây ra thiệt hại là hơn 130 tỷ đồng. Song tại tòa, bị cáo chưa thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội nên cần áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc.

Quá trình diễn ra phiên tòa, bị cáo Trần Ngọc Hà đã tác động gia đình, bồi thường hơn 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Đây là tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Hà.

Bị cáo Trần Ngọc Hà bị Viện Kiểm sát quy trách nhiệm trong các sai phạm: Tạo điều kiện cho cấp dưới bảo lãnh vay ngân hàng trái quy định; thực hiện hai dự án với công ty nước ngoài, song không thể thực hiện, gây tổng thiệt hại hơn 130 tỷ đồng.

Trước đó, trong phiên xét hỏi ngày 18/5, bị cáo Trần Ngọc Hà phủ nhận toàn bộ các cáo buộc. Bị cáo cho rằng mình không có điều kiện biết về sai phạm của cấp dưới, nguyên Tổng Giám đốc VEAM Lâm Chí Quang, trong việc bảo lãnh các khoản vay không có khả năng thanh toán của Vetranco, gây thiệt hại hơn 65 tỷ đồng.

Ngoài ra, bị cáo Trần Ngọc Hà cũng cho rằng, hai dự án không thể thực hiện được, gây thua lỗ hơn 66 tỷ đồng cũng không phải lỗi của mình mà do bị Bộ chủ quản (Bộ Công Thương) dừng đột ngột và người kế nhiệm "năng lực kém", không thể hoàn thành. Vì vậy, bị cáo Trần Ngọc Hà cho rằng mình không liên quan, không chịu trách nhiệm. Lời khai này bị đại diện Viện Kiểm sát đánh giá là bị cáo Trần Ngọc Hà chưa thành khẩn.

Khác với bị cáo Trần Ngọc Hà, bị cáo Lâm Chí Quang thừa nhận các sai phạm, song cho rằng thời điểm đó, bị cáo không nhận thức được việc ký bảo lãnh các khoản vay cho Vetranco ngoài hạn mức cho phép là sai phạm. Bị cáo Quang rất ăn năn và ý thức sâu sắc được trách nhiệm của mình đối với hành vi này.

Sau khi đại diện Viện Kiểm sát trình bày bản luận tội và đề nghị mức án, các luật sư bào chữa và các bị cáo đã tham gia đối đáp nhằm giảm nhẹ mức độ hành vi vi phạm mà Viện Kiểm sát đã cáo buộc.

Kim Anh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.