|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nguyên Tổng Giám đốc CTCP Việt An (AVF) bị truy nã đặc biệt, lập hồ sơ vay khống Vietcombank hơn 600 tỷ

11:56 | 23/06/2021
Chia sẻ
Cơ quan điều tra đã đưa quyết định truy nã đối với ông Lưu Bách Thảo, cựu Tổng Giám đốc CTCP Việt An đồng thời đã khởi tố và đưa ra lệnh tạm giam đối với ông Ngô Văn Thu, Tổng Giám đốc công ty.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh An Giang vừa ra quyết định truy nã đặc biệt nguy hiểm đối với bị can Lưu Bách Thảo (giới tính nam, sinh năm 1964, tại Phú Tân, An Giang). Ông là nguyên Tổng Giám đốc CTCP Việt An (Mã: AVF).

Thủy sản Việt An: Cựu tổng giám đốc bị truy nã đặc biệt, nợ ngân hàng hơn 1.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Quyết định truy nã bị can Lưu Bách Thảo, nguyên Tổng Giám đốc CTCP Việt An. (Nguồn: Báo Công an Nhân dân).

Hôm qua, Công ty Việt An cũng thông tin rằng phía cơ quan chức năng đã khởi tố và đưa ra lệnh tạm giam đối với ông Ngô Văn Thu, Tổng Giám đốc (được bổ nhiệm từ tháng 11/2014).

Trước đó, sáng ngày 11/6, CSĐT Công an tỉnh An Giang ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can đối với ông Lưu Bách Thảo cùng 5 đồng phạm về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Công an cho biết đối tượng hiện đã xuất cảnh sang nước ngoài.

Theo kết quả điều tra, từ năm 2010 - 2014, Công ty Việt An do ông Lưu Bách Thảo, nguyên Tổng Giám đốc và ông Ngô Văn Thu, Tổng Giám đốc cùng CTCP Xuất nhập khẩu Bình Minh và Công ty TNHH Minh Giàu đã lập 100 bộ hồ sơ vay vốn khống để chiếm đoạt số tiền trên 601 tỷ đồng của Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh An Giang.

Trong đó, có sự giúp sức của Nguyễn Viết Tuyên và Lưu Bá Phúc xuất hóa đơn khống mua bán cá tra, thức ăn thủy sản để làm điều kiện cho những công ty trên vay vốn chiếm đoạt số tiền trên 601 tỷ đồng.

Ngày 30/5/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về cho vay  trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đang tiếp tục điều tra mở rộng, làm rõ hành vi vi phạm của các đối tượng liên quan để xử lý trước pháp luật.

Theo tìm hiểu, Công ty Việt An là công ty thủy sản (gia công cá tra phi lê đông lạnh) do ông Lưu Bách Thảo thành lập năm 2007 với vốn điều lệ tính đến cuối năm 2019 là 433 tỷ đồng. Vào tháng 6/2015, công ty đã bị hủy niêm yết trên sàn HOSE và được chuyển giao dịch về UPCoM.

Hiện tại, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì cổ phiếu AVF trong diện hạn chế giao dịch khi tổ chức này chậm công bố thông tin quá 45 ngày đối với báo cáo tài chính năm 2020 và không có biện pháp khắc phục. Ngoài ra, báo cáo tài chính quý IV/2020, doanh nghiệp cũng chưa được công bố.

Nợ ngân hàng nợ nghìn tỷ

Theo báo cáo tài chính mới nhất, cuối quý III/2020, công ty lỗ lũy kế gần 2.408 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm hơn 1.960 tỷ đồng. 

Ngoài ra, Việt An cũng đối mặt với khoản vay nợ tài chính ngắn hạn hơn 1.006 tỷ đồng duy trì nhiều năm qua.

Nợ ngắn hạn của Việt An cũng vượt tài sản ngắn hạn 51 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 9/2020, Việt An chỉ có hơn 32 triệu đồng tiền mặt.

Dù không có thông tin chi tiết các khoản nợ trên báo cáo tài chính quý III nhưng trên báo cáo tài chính soát xét 6 tháng năm 2020 của Việt An, khoản vay hơn 1.006 tỷ đồng đến từ các ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Agribank, MBBank, Shinhan,... Trong đó, Vietcombank đã cho Việt An vay gần 448 tỷ đồng, được thế chấp bằng quyền sử dụng đất.

Thủy sản Việt An: Cựu tổng giám đốc bị truy nã đặc biệt, nợ ngân hàng hơn 1.000 tỷ đồng - Ảnh 3.

Nguồn: Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng năm 2020 của Việt An.

Ngoài ra, tính đến cuối quý II/2020, Việt An còn ghi nhận 313 tỷ đồng nợ xấu, trong đó, những người liên quan đến ông Lưu Bách Thảo nợ hơn 100 tỷ đồng.

Thủy sản Việt An: Cựu tổng giám đốc bị truy nã đặc biệt, nợ ngân hàng hơn 1.000 tỷ đồng - Ảnh 4.

Nguồn: Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng năm 2020 của Việt An.

Đáng chú ý, trên báo cáo soát xét bán niên 2020, Công ty kiểm toán PKF Việt Nam đưa ra ý kết luận trái ngược và cho rằng báo cáo tài chính giữa niên độ của Công ty Việt An không phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính tại ngày cuối tháng 6/2020, kết quả hoạt động cũng như tình hình lưu chuyển tiền tệ. Công ty kiểm toán PKF cũng đưa ra nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Minh Hằng

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.