|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và những dấu ấn với đổi mới, phát triển kinh tế Việt Nam

08:58 | 17/03/2018
Chia sẻ
Nâng cấp Tổ nghiên cứu đổi mới thành Ban Nghiên cứu, đưa nền kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn, hội nhập với thế giới và có chuyến công du đầu tiên tới Mỹ sau một thập kỷ hai nước bình thường hoá quan hệ là những dấu ấn quan trọng mà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã mang lại cho nền kinh tế Việt Nam.
nguyen thu tuong phan van khai va nhung dau an voi doi moi phat trien kinh te viet nam Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn mạnh mẽ cải cách và quyết tâm hội nhập
nguyen thu tuong phan van khai va nhung dau an voi doi moi phat trien kinh te viet nam Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong hoài niệm của Chủ tịch SSI

Theo nguồn tin riêng của VietNamNet, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải lâm bệnh nặng trước Tết. Sau thời gian điều trị ở nước ngoài, ông được chuyển về bệnh viện Chợ Rẫy.

Lãnh đạo bệnh viện Chợ Rẫy xác nhận việc nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đang điều trị tại đây. Ông được chuyển tới viện vào tối qua.

nguyen thu tuong phan van khai va nhung dau an voi doi moi phat trien kinh te viet nam

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam qua thời kỳ khủng hoảng

Tại kỳ họp thứ nhất QH khoá 10 vào tháng 9/1997, ông Phan Văn Khải được bầu làm Thủ tướng. Tháng 7/2002, tại kỳ họp thứ nhất QH khoá 11, ông được bầu lại làm Thủ tướng. Đến tháng 6/2006, ông xin từ nhiệm trước khi kết thúc nhiệm kỳ 1 năm.

Ông Khải được bổ nhiệm đúng lúc nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lai do chịu ảnh hưởng lan truyền từ khủng hoảng tài chính - tiền tệ của khu vực Đông Á,

Với tài trí và sự giúp sức của các bộ ngành, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam qua thời kỳ khó khăn, hội nhập với nền kinh tế thế giới.

Giai đoạn 1998-2006 được đánh giá là thời kỳ mà Việt Nam tích cực hội nhập kinh tế mà đỉnh cao là việc ký hiệp định gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO (năm 2006) và Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ (năm 2001).

Các sách báo trong nước thời kỳ này dùng cụm từ "đổi mới" để mô tả thời kỳ 1986-2000, thời kỳ chuyển biến thực sự về nhận thức tư duy kinh tế, áp dụng kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Báo chí nước ngoài khen ngợi Việt Nam thời kỳ này, ví Việt Nam như "con hổ" kinh tế trong tương lai gần. GDP bình quân đầu người đạt mức 396 USD (Lào 328 USD, Campuchia 283 USD) năm 2000.

Mặc dù đã dẫn dắt nền kinh tế vượt qua khó khăn, tuy nhiên khi phát biểu chia tay tại Quốc hội, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã và vẫn còn nhiều tồn tại nhiều bất cập mà ông vẫn chưa giải quyết được.

Công tác cán bộ chậm được đổi mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến những sai lầm và khuyết điểm trong lãnh đạo quản lý kinh tế, xã hội. Nền kinh tế còn chậm phát triển chiều sâu, tình trạng lãng phí thất thoát vốn và tài sản công còn nghiêm trọng nhất là trong các dự án đầu tư vốn nước ngoài.

nguyen thu tuong phan van khai va nhung dau an voi doi moi phat trien kinh te viet nam [Ảnh] Những dấu ấn Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trên chính trường

Nâng cấp Tổ nghiên cứu đổi mới thành Ban Nghiên cứu

Năm 1998, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã nâng cấp Tổ nghiên cứu đổi mới thành Ban Nghiên cứu.

Tổ trưởng Tổ nghiên cứu đổi mới Trần Đức Nguyên được cử làm Trưởng Ban từ đầu cho đến khi nghỉ hưu (đầu năm 2003) nhưng vẫn được Thủ tướng mời tiếp tục làm chuyên gia tư vấn; người được Thủ tướng cử làm Trưởng ban kế tiếp là nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Xuân Giá.

Hầu hết các thành viên của tổ chức tư vấn đều chuyên làm công tác nghiên cứu, không giữ chức quyền trong bộ máy hành chính nhà nước, một số đã về hưu.

Bà Phạm Chi Lan, người có mặt trong cả Tổ tư vấn đổi mới và Ban nghiên cứu sau này kể lại: các thành viên đều có tài sản rất lớn là chế độ “5 không”: không biên chế, không lương, không chức vụ, không có cấp trên cấp dưới và quan trọng nhất là không bị ràng buộc, hạn chế gì khi góp ý kiến với Thủ tướng.

Do không nắm quyền lực, không vướng bận về địa vị, quyền lợi, không lo “giữ ghế” nên các thành viên trong tổ chức tư vấn làm việc với tinh thần khách quan, thực sự cầu thị, đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau, cởi mở, thẳng thắn khi thảo luận với nhau cũng như khi báo cáo, kiến nghị với Thủ tướng.

Nhờ tài sản đặc biệt ấy mà ở Ban nghiên cứu có những tiếng nói rất mạnh mẽ.

Dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không còn ban nghiên cứu nữa mà xuất hiện Tổ tư vấn kinh tế với 12 thành viên, đứng đầu là cựu bộ trưởng thương mại Trương Đình Tuyển. Tổ hoạt động theo nhiệm kỳ của Thủ tướng.

Cuộc gặp lịch sử tại Nhà Trắng với Tổng thống George Bush

Ngày 21/6/2005, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã có cuộc gặp lịch sử tại Nhà Trắng với Tổng thống nước chủ nhà George Bush, đánh dấu một thập kỷ hai nước bình thường hoá quan hệ.

Tổng thống và Thủ tướng đã chia sẻ mục tiêu về một khu vực Đông Nam Á, và châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, phồn vinh và an ninh, và thoả thuận hợp tác trên cơ sở song phương và đa phương nhằm thúc đẩy các mục tiêu này.

Tổng thống nhấn mạnh, Chính phủ Mỹ ủng hộ hoà bình, ổn định và hợp tác ở khu vực Đông Nam Á và Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) mà Việt Nam là một thành viên tích cực.

Hai nhà Lãnh đạo khẳng định vai trò trung tâm của Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong việc ủng hộ quá trình tự do hoá thương mại và đầu tư và trong việc thúc đẩy các nỗ lực hợp tác nhằm củng cố an ninh khu vực.

Tổng kết chuyến đi, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã đề nghị các bộ ngành giới doanh nghiệp nhanh chóng triển khai thực hiện tốt những nội dung đã ký kết; tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu; thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư nước ngoài vào VN cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường Bắc Mỹ.

Đây là lần đầu tiên một vị Thủ tướng của nước Việt Nam thống nhất đi thăm Mỹ và chuyến đi có ý nghĩa lịch sử này được đánh giá là thành công tốt đẹp ngoài dự kiến.

Thu Hà