Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế bị khởi tố liên quan tới Dược Cửu Long (DCL), doanh nghiệp nói gì?
Ngày 11/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với ông Cao Minh Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng với bị can Cao Minh Quang, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng khởi tố hai bị can khác nguyên là cán bộ của Bộ Y tế.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có đủ căn cứ xác định một số cán bộ liên quan tại Bộ Y tế đã không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng đặt hàng sản xuất Oseltamivir với CTCP Dược phẩm Cửu Long (Mã: DCL).
Các cá nhân này cũng không kiểm tra làm rõ việc Dược Cửu Long chưa trả nhà cung cấp nguyên liệu số tiền 3.848.000 USD, để Dược Cửu Long giữ lại, sử dụng hết 3.848.000 USD được giảm giá mua nguyên liệu có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, không trả lại Bộ Y tế, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Ngay sau đó, phía Dược Cửu Long đã lên tiếng về thông tin trên và khẳng định "đây là các vấn đề pháp lý của giai đoạn cũ, không liên quan đến hoạt động hiện nay của công ty".
Giải thích rõ hơn, doanh nghiệp cho biết đây là sự việc liên quan đến hợp đồng sản xuất thuốc Oseltamivir của Dược Cửu Long với Bộ Y tế, đã diễn ra từ giai đoạn 2005-2007, khi doanh nghiệp vừa cổ phần hóa và chưa niêm yết.
Thời điểm đó, cổ đông nhà nước vẫn nắm quyền chi phối và vụ việc xảy ra trước khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tiếp nhận Dược Cửu Long. Ở thời điểm diễn ra sự việc, CTCP Tập đoàn F.I.T (Mã: FIT) vẫn chưa là công ty mẹ của Dược Cửu Long và cũng chưa đầu tư sở hữu bất kỳ cổ phần nào tại đây.
Liên quan đến khoản tiền 3.848.000 USD, doanh nghiệp cho biết hiện tại cơ quan chức năng vẫn đang thực hiện điều tra. Tuy nhiên, dữ liệu tài chính của công ty cho thấy khoản tiền này không liên quan đến hiện trạng tài chính của doanh nghiệp các giai đoạn sau này.
Cuối năm 2008, khi cổ phiếu DCL niêm yết chính thức trên HOSE, khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty nhỏ hơn mức lợi nhuận sau thuế phát sinh năm 2008 (giai đoạn sau khi xảy ra sự kiện pháp lý nói trên). Do đó, các khoản này đã được phân phối từ trước khi cổ đông Nhà nước SCIC hoàn tất thoái vốn.
Dược Cửu Long cũng cho biết hiện tại hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông, HĐQT và Ban tổng giám đốc đề ra.
Về Dược Cửu Long, doanh nghiệp có ba dòng sản phẩm chính, trong đó chủ đạo là dược phẩm với hơn 250 loại đã được phê duyệt. Dòng sản phẩm thứ hai là dụng cụ y tế với hơn 20 loại khác nhau và dòng sản phẩm viên nang cứng rỗng với nhiều chủng loại và kích cỡ khác nhau.
Năm 2021, công ty ghi nhận 715 tỷ đồng doanh thu và gần 88 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng lần lượt gần 3,5% và 27,5% so với năm 2020.
Quy mô tổng tài sản hết năm 2021 của Dược Cửu Long là 1.781 tỷ đồng với gần 1.022 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Trong đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hết năm ngoái gần 375 tỷ. Hết năm 2021, vốn điều lệ của công ty là 588 tỷ.
Chốt phiên 16/3, cổ phiếu DCL dừng ở mốc 36.200 đồng/cp, tương đương với vốn hoá 2.130 tỷ đồng.