|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nguồn vốn ngân hàng luôn sẵn sàng nhưng doanh nghiệp lại khó tiếp cận đủ

06:00 | 30/08/2019
Chia sẻ
Mặc dù các ngân hàng đã liên tiếp đưa ra những chương trình ưu đãi về vốn vay nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó có thể tiếp cận được vốn do các vấn đề như không đủ tài sản bảo đảm, phương án kinh doanh không thuyết phục,...

Ngày 29/8, tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng – doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với UBND tỉnh Cần Thơ tổ chức, đại diện các doanh nghiệp tại khu vực này đã có cơ hội bày tỏ về những khó khăn trong việc vay vốn từ ngân hàng.

Theo thông tin từ hội nghị, có tới 70% số doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhiều doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo hợp pháp hoặc không đủ uy tín để vay tín chấp, thiếu khả năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú (1)

Ông Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị (Ảnh: SBV)

Phát biểu tại hội nghị,Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhận định ĐBSCL là vùng kinh tế năng động với nhiều tiềm năng thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, năng lượng tái tạo, du lịch,…. Đặc biệt đóng góp tới 4/7 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có kim ngạch trên 1 tỉ USD (lúa gạo, tôm, cá tra, rau quả). 

Với mạng lưới 350 chi nhánh tổ chức tín dụng và trên 150 quĩ tín dụng nhân dân trên địa bàn khu vực ĐBSCL, tín dụng của khu vực những năm qua liên tục tăng và đạt bình quân khoảng 15% giai đoạn 2015 - 2018. 

Đến cuối tháng 7/2019, dư nợ tín dụng của khu vực đạt gần 624.000 tỉ đồng, tăng 7,76% so với 31/12/2018 (cao hơn mức tăng trưởng chung đối với nền kinh tế 7,46%). Trong đó, dư nợ tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn đạt trên 340 nghìn tỷ đồng, tăng 14,8%; lĩnh vực DNNVV tăng 6,3%; xuất khẩu tăng 3,7%. 

Tín dụng đối với một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù là thế mạnh của khu vực có tốc độ tăng trưởng khá như: thủy sản tăng 8,45%, đặc biệt là lúa gạo tăng 13,92%.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động tín dụng đối với doanh nghiệp, người dân vùng ĐBSCL còn nhiều khó khăn, một số khách hàng không trả được nợ vay khi đến hạn.

Các nguyên xuất phát từ các nguyên nhân như: thị trường tiêu thụ nhất là xuất khẩu thiếu ổn định, cạnh tranh gay gắt, giá xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực có xu hướng giảm, vấn đề chất lượng sản phẩm, hạn chế trong liên kết, ứng dụng công nghệ cao... 

Hội nghị kết nối Ngân hàng_Doanh nghiệp (3)

Ảnh: SBV.

Cho biết thêm về tình hình cấp vốn ngân hàng của khu vực, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN, cho biết đến cuối quí II/2019, các TCTD đã giải ngân cho vay mới đạt gần 71.300 tỉ đồng cho trên 4.400 doanh nghiệp và một số đối tượng khác. 

Bên cạnh đó, các TCTD cũng đã cơ cấu lại nợ cho một số doanh nghiệp trên địa bàn, thực hiện các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất, nâng hạn mức cho vay cho trên 250 doanh nghiệp với tổng dư nợ được hỗ trợ là trên 3.720 tỉ đồng.

Nguồn vốn ngân hàng luôn sẵn sàng?

Trao đổi tại hội nghị, đại diện các ngân hàng cho biết nguồn vốn ngân hàng vẫn đang sẵn sàng để cung cấp cho các doanh nghiệp đủ điều kiện. 

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết: "Để tiếp cận được vốn thì doanh nghiệp cần phải chứng minh: năng lực trình độ chuyên môn ngành nghề mình sản xuất; có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi; có tài sản đảm bảo đáp ứng điều kiện qui mô vay vốn và minh bạch về tài chính và phương án sử dụng vốn".

Đại diện ngân hàng HDBank, ông Phạm Quốc Thanh – Phó Tổng giám đốc, chia sẻ HDBank đã và đang triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ tín dụng cho ĐBSCL. Ông kể tên các chương trình như chính sách tín dụng nông nghiệp và nông thôn, cho vay tạm trữ, hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo, tài trợ theo chuỗi, chương trình tín dụng xanh.

Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục kêu khó có thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng hoặc vay vốn ngân hàng không đủ với nhu cầu khiến họ phải đi vay thêm các nguồn khác.

Một trong những nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất là vấn đề tài sản thế chấp, tài sản không được chấp nhận thế chấp hoặc giá trị định giá quá thấp so với giá trị thực tế. 

Hơn nữa, đầu ra của nhiều sản phẩm nông nghiệp tại khu vực còn bấp bênh do phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, giá cả tiêu thụ không ổn định; chất lượng nông sản không đồng đều,…, cũng là những lí do khiến ngân hàng "dè chừng" đối với những khoản vay ở lĩnh vực này.

Ngoài ra, còn phải kể đến nguyên nhân như các phương án sản xuất chưa đủ sức thuyết phục, khó chứng minh được hiệu quả kinh doanh.


Trúc Minh