|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nguốn vốn cho nông nghiệp: Luôn là lĩnh vực ưu tiên, không có bất cứ cơ chế giới hạn nào

21:30 | 30/12/2023
Chia sẻ
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết nguồn lực ngành ngân hàng dành cho nông nghiệp nông thôn, hiện nay luôn luôn là lĩnh vực ưu tiên, không có bất cứ cơ chế giới hạn nào. Thậm chí có những cơ chế khuyến khích, ưu tiên cho các ngân hàng thương mại thực hiện nhiệm vụ này.

 

Tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023, một số câu hỏi liên quan đến nguồn vốn cho nông nghiệp được đưa ra. 

Ở điểm cầu Bình Dương, nông dân Nguyễn Hồng Quyết- Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 cho biết hiện nay, chính sách cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông cho phép cá nhân, hộ gia đình đầu tư trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm được vay tối đa 200 triệu đồng/hộ. Trong khi nhiều hộ nông dân sản xuất với diện tích lớn tới hàng chục, hàng trăm ha cần nhu cầu vốn hàng tỷ đồng.

Ông Quyết mong muốn Chính phủ ban hành cơ chế, giải để nông dân được thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai (sản phẩm thu hoạch trong tương lai) để vay vốn với nhu cầu lớn phục vụ sản xuất. 

Trong khi đó ông Trần Tiến Sỹ- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình kiến nghị cần có giải pháp phát triển nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, giúp nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập, nâng cao đời sống, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Trả lời câu hỏi này, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết nhiều chính sách nguồn vốn phát triển nông thôn đã được ban hành. Đến thời điểm hiện tại, đang có hiệu lực có 18 văn bản, cơ chế chính sách trực tiếp hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, không chỉ chung cả nước mà đi vào từng khu vực cụ thể, vùng miền.

Ví dụ như khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho cây lúa, tôm, cá. Đối với khu vực Tây Nguyên cho cây cà phê, cây công nghiệp. Khu vực miền núi phía Bắc cũng như đồng bằng sông Hồng cũng có những cơ chế chính sách riêng, thậm chí để hỗ trợ, giải quyết, khắc phục thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, hoặc đối với bà con ngư dân

Nguồn lực ngành ngân hàng dành cho nông nghiệp nông thôn, hiện nay luôn luôn là lĩnh vực ưu tiên, không có bất cứ cơ chế giới hạn, hạn chế nào. Thậm chí có những cơ chế động viên khuyến khích, ưu tiên cho các ngân hàng thương mại thực hiện nhiệm vụ này. 

Trước hết về nguồn lực hiện nay, tổng dư nợ nền kinh tế vào khoảng 13,4 triệu tỷ đồng đến thời điểm hiện nay, riêng nông nghiệp nông thôn đang có tổng dư nợ khoảng 3,3 triệu tỷ, tương đương 1/4 tổng dư nợ kinh tế. Mức tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thường xuyên duy trì mức cao nhất cho các ngành, lĩnh vực, chiếm khoảng 10 – 12%/năm.

Nam 2014, Nghị định số 55 đã mở ra cơ chế mới về nguồn vốn, bảo lãnh, điều kiện thủ tục vay vốn tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Năm 2018, Nghị định số 55 tiếp tục được sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, đến nay, thực tiễn đặt ra yêu cầu phải có cơ chế mở rộng hơn đối với tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ NN&PTNT nghiên cứu mở rộng cơ chế cho vay đối với hộ nông dân, doanh nghiệp sản xuất, HTX sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn, theo chuỗi giá trị liên kết, ứng dụng công nghệ cao.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh mô hình tài chính là một trong 5 thành tố quan trọng để đảm bảo quá trình sản xuất của người nông dân có hiệu quả. Nguồn tài chính bao gồm tín dụng từ phía ngân hàng, bên cạnh đó nhà nước có Ngân hàng chính sách xã hội, và đặc biệt trong hệ thống hội nông dân có các quỹ hỗ trợ nông dân. 

Trong thời gian vừa qua, quỹ hỗ trợ nông dân ở địa phương gặp khó khăn trong việc bổ sung nguồn vốn điều lệ để cho người nông dân vay. 

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 37 về tổ chức và thành lập quỹ này, và trong đó có xử lý vấn đề về vốn. 

Và trong năm 2023, phần vốn của các địa phương đã được bổ sung thêm, khoảng xấp xỉ gần 500 tỷ đồng, đưa tổng vốn của các quỹ địa phương lên gần 4.100 tỷ đồng. Đến nay các quỹ, bao gồm cả quỹ trung ương và quỹ địa phương đã cho vay 15.937 hộ nông dân, thông qua 1.384 dự án. Bình quân một dự án xấp xỉ gần 500 triệu đồng một dự án.

Trong thời gian tới, trên cơ sở hiệu quả của quỹ này, Trung ương sẽ bổ sung nguồn vốn. Đồng thời, Trung ương đề nghị các địa phương quan tâm bố trí nguồn vốn cho quỹ để tiếp tục cho vay cho nông dân. 

Bên cạnh chính sách hỗ trợ như vậy, các chính sách tài khóa khác đang có hỗ trợ tích cực cho nông dân như ưu đãi thuế gắn với một số mặt hàng đầu vào của nông nghiệp, chăn nuôi, hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, xúc tiến đầu tư thương mại,...

Về câu hỏi của ông Trần Tiến Sỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị UBND các cấp tăng cường hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho người nông dân, để họ hiểu, chấp hành các quy định, tiếp cận tín dụng một cách thuận lợi, linh hoạt hơn, nhất là tăng cường hình thức cho vay tín chấp và cho vay theo tài sản hình thành trong tương lai.

Cùng với đó, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ mở rộng tiếp cận Quỹ Phát triển Khoa học và công nghệ tới các đối tương nông dân, các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp…

“Tóm lại, các cơ quan phải có chính sách để người nông dân được tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn, đúng, trúng, kịp thời, đúng địa chỉ, đúng thời điểm. Các ngân hàng cũng phải có các quy định phù hợp bởi người nông dân Việt Nam có truyền thống lam lũ, chất phác, thật thà”, Thủ tướng nói. 

 

 

H.Mĩ

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.