|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nguồn cầu lớn hướng về các khu công nghiệp Việt Nam

11:26 | 17/08/2020
Chia sẻ
Theo Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, một nguồn cầu lớn sẽ hướng về các khu công nghiệp tại Việt Nam khi nhiều nhà sản xuất đang tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa địa điểm.
COVID-19 và cơ hội cho bất động sản công nghiệp - Ảnh 1.

Bất động sản công nghiệp đang đứng trước cơ hội lớn. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Theo thống kê của Savills Việt Nam, tính đến tháng 6/2020 cả nước có 336 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 97.800 ha. 

Trong đó, 261 khu công nghiệp đang hoạt động và 75 khu còn lại đang trong quá trình giải phóng mặt bằng hoặc trong giai đoạn xây dựng. Tỉ lệ lấp đầy đạt 76% trên tổng các khu công nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc. 

Với nguồn cầu tiếp tục vượt quá nguồn cung, có thể thấy rõ sự cần thiết của việc tăng số lượng nguồn cung tại các tỉnh công nghiệp trọng điểm. Tỉ lệ lấp đầy tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng đã gia tăng đáng kể từ năm 2018.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng các nhà phát triển bất động sản cần nỗ lực phát triển để đáp ứng được nhu cầu nguồn cung của thị trường bất động sản công nghiệp. 

Đặc biệt, các nhà phát triển cũng cần chú trọng tập trung vào việc phát triển các bất động sản gần sân bay, bến cảng và các tuyến đường chính.

Với việc nhiều nhà sản xuất có dự định rời khỏi Trung Quốc vào năm 2021 và 2022, các nhà phát triển cần xây dựng nhiều dự án hơn để có thể nắm bắt cơ hội và đáp ứng được các khoản đầu tư sản xuất có giá trị cao.

Điển hình như tỉnh Đồng Nai đang có kế hoạch bổ sung thêm 8 khu công nghiệp mới. Cụ thể, tại xã Phước Bình sẽ có thêm hai khu công nghiệp qui mô 900 ha và 500 ha. Xã Tân Hiệp và Bình An cũng sẽ lần lượt xây dựng thêm một khu công nghiệp tại mỗi xã.

COVID-19 và cơ hội cho bất động sản công nghiệp - Ảnh 2.

Ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam. (Ảnh: Savills).

Tương tự, ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam cũng nhận định, hiện nhiều nhà sản xuất đang bắt đầu theo đuổi chiến lược "Trung Quốc +1" nhằm tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa địa điểm. 

Việt Nam còn có lợi thế trong việc kiểm soát đại dịch hiệu quả, sự tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, sự ổn định môi trường kinh doanh, lực lượng lao động, chi tiêu cơ sở hạ tầng, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được phê chuẩn có thể xem là động lực để ngành công nghiệp quốc gia tiếp tục chuyển đổi từ các ngành có tay nghề thấp sang các ngành có giá trị cao hơn.

Trên cơ sở đó, Savills dự báo một nguồn cầu lớn sẽ hướng về các khu công nghiệp tại Việt Nam trong thời gian sắp tới, đặc biệt lưu ý đến các thông báo và hoạt động của Apple, Pegatron và Foxconn trong việc di dời một phần hoạt động sản xuất sang Việt Nam.

Chính phủ Nhật Bản mới đây cũng đã tung gói kích thích kinh tế 2,2 tỉ USD tài trợ chuyển đổi sản xuất từ Trung Quốc cho 15 công ty Nhật Bản chuyển địa điểm sản xuất tới Việt Nam, trong đó có Meiko Electronics, Nikkiso, Fujikin, Yamauchi...

Ông John Campbell, Trưởng Bộ phận Bất động sản Công nghiệp của Savills Việt Nam cho rằng, một khung pháp lí phù hợp cho công nghiệp 4.0 và xu hướng sản xuất thông minh cũng là điều cần thiết ở thời điểm này.

Lenovo và Schneider Electric mới đây đã công bố hợp tác về các giải pháp sản xuất xanh thông minh cho lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc. Cả hai công ty này hiện đều có mặt tại Việt Nam. 

Khi nền kinh tế quốc gia và chiến lược cho ngành công nghiệp 4.0 tiếp tục phát triển, hai công ty hàng đầu này sẽ tăng sự hiện diện để đáp ứng nhu cầu công nghệ ngày càng tăng.

Hoàng Huy