|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Người Việt mua ôtô giảm mạnh đầu 2024

09:58 | 24/02/2024
Chia sẻ
So với doanh số tháng cuối 2023, tiêu thụ ôtô tháng đầu 2024 giảm đến 50%, đạt 19.243 xe.

Tháng 1 là tháng cận Tết Nguyên đán và theo thông lệ hàng năm, nhu cầu của người dân thường tăng cao nhưng năm 2024 không diễn ra như vậy. Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết, các thành viên của tổ chức này và nhiều hãng nhập khẩu khác bán ra tổng cộng 19.243 xe tháng vừa qua, giảm 50% so với tháng liền kề và tăng nhẹ 11% so với cùng kỳ 2023 (tháng có Tết).

Hyundai Thành Công, đơn vị phân phối xe Hyundai cũng ghi nhận doanh số sụt giảm mạnh. Hãng bán 3.569 xe Hyundai, giảm 68% so với tháng 12. Tổng hợp doanh số của VAMA, các hãng nhập khẩu và Hyundai, toàn thị trường tiêu thụ 22.812 xe trong tháng 1/2024, giảm 54% so với tháng 12/2023.

Nhân viên bán hàng trao đổi với khách tại một showroom ôtô ở TP HCM. (Ảnh: Hồng Tâm).

Theo các chuyên gia bán hàng, mức sụt giảm lớn đầu 2024 không khó dự đoán. Bởi phần lớn nhu cầu mua xe của người dân đã đổ dồn trong gần nửa năm cuối 2023, giai đoạn Chính phủ áp dụng chính sách ưu đãi 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp. Bên cạnh đó, thu nhập bị ảnh hưởng sau một năm kinh tế khó khăn cũng khiến người dân dè dặt hơn khi chi tiền cho các mặt hàng giá trị cao cho ôtô.

Theo VAMA, doanh số xe lắp ráp trong nước của các hãng thuộc tổ chức này đạt 9.783 xe, giảm 59%, xe nhập khẩu 9.460 xe, giảm 36%. Hyundai Thành Công chủ yếu bán xe lắp ráp nên doanh số mảng xe này cũng giảm mạnh sau khi kết thúc 2023.  

Trong số các thương hiệu có doanh số sụt giảm nhiều nhất, Toyota dẫn đầu với 76% (so giữa tháng 1/2024 và tháng 12/2023). Lượng bán của Toyota đạt 2.208 xe, thấp hơn các hãng như Hyundai 3.569 xe, Ford 2.671 xe và Kia 2.369 xe. 

Tại các đại lý, để kích cầu tiêu dùng, nhiều dòng xe đang được giảm giá hàng chục đến hàng trăm triệu đồng như phần lớn giai đoạn 2023. Nhiều hãng như Honda, Suzuki, Subaru, Mercedes... vẫn còn tồn xe sản xuất 2023 nên đẩy mạnh khuyến mãi để xả hàng. Theo các chuyên gia, tháng 2 trùng với quãng nghỉ Tết nguyên đán nên doanh số cũng khó bứt phá.      

Thành Nhạn