Người mua ấn Hoàng đế chi bảo: Chủ một doanh nghiệp xây dựng tại Bắc Ninh, sở hữu một bảo tàng tư nhân
Thông tin một doanh nhân người Việt vừa bỏ ra 6,1 triệu euro (hơn 153,4 tỷ đồng) để mua thành công ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” tại Pháp đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Chủ nhân mới của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được xác định là ông Nguyễn Thế Hồng, Chủ tịch Hội Cổ vật Kinh Bắc. Theo tìm hiểu của người viết, ông Nguyễn Thế Hồng là người sưu tầm cổ vật có tiếng tại Bắc Ninh. Ông thành lập Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng tại địa phương này chỉ để trưng bày hiện vật do bản thân sưu tầm.
Hiện, ông Hồng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Nam Hồng, đồng thời là Giám đốc Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng.
Về công ty Nam Hồng, doanh nghiệp này thành lập năm 2018, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình công ích, bao gồm xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, công trình điện đến 35kV,...
Công ty Nam Hồng từng là chủ đầu tư xây dựng dự án Khu trung tâm thể thao, trường học, các công trình công cộng, khu đô thị (Dự án Vườn Sen) tại phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Với tư cách là Giám đốc Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, ông Nguyễn Thế Hồng đã đại diện doanh nghiệp này tham gia đàm phán, mua thành công một số cổ vật. Ngoài ấn vàng "Hoàng đế chi bảo”, ông đang sở hữu một bảo vật quốc gia được xét công nhận ngày 30/1 vừa qua. Đó là Thạp đồng Văn hóa Đông Sơn có niên đại cách ngày nay 2.200 - 2.300 năm (thế kỷ III - II trước Công nguyên), theo Dân trí.
Trong đó, ấn vàng "Hoàng đế chi bảo” vừa được mua thành công có giá trị lịch sử đặc biệt bởi đây là chiếc kim ấn được Bảo Đại, Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn, trao cho đại diện Việt Minh là ông Trần Huy Liệu cùng với thanh bảo kiếm của vua Khải Định vào chiều 30/8/1945.
Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được đúc năm 1823 dưới thời vua Minh Mạng (1820 - 1841), chất liệu bằng vàng, nặng 10,78 kg. Cổ vật này được truyền từ đời vua Minh Mạng đến vị vua cuối cùng nhà Nguyễn là Bảo Đại.
Ông Đào Phan Long, nguyên Chủ tịch Hội Cổ vật Thăng Long Hà Nội cho biết, sau khi biết thông tin Nhà đấu giá Millon (Pháp) đưa lên sàn đấu giá chiếc ấn vàng của vua Minh Mạng, ông Nguyễn Thế Hồng đã bàn với vợ nộp 100.000 Euro (khoảng 2,52 tỷ đồng) để được đăng ký tham dự phiên đấu giá này.
Ngày 12/11/2022, vợ chồng ông Nguyễn Thế Hồng đến Pháp dự đấu giá mới biết, ngoài ông bà, còn 5 người ở các quốc gia khác được quyền tham gia đấu giá chiếc ấn vàng, với giá khởi điểm là 3 triệu Euro (72 tỷ đồng).
Ông Nguyễn Thế Hồng cho rằng, nếu chỉ đấu giá thông thường, mình khó có thể mang ấn vàng về nước vì mức giá chốt phiên sẽ rất cao. Do đó, ông liên hệ với Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Bắc Ninh để xin được báo cáo, trình bày nguyện vọng với Bộ Văn hoá – Thể thao - Du lịch.
Ngay sau đó, Chính phủ đã đồng ý cử một đoàn liên ngành gồm Thứ trưởng Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch, Cục trưởng Cục Di sản, 2 chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và 3 chuyên gia các Bộ liên quan bay sang Paris gặp ông Nguyễn Thế Hồng và Đại sứ Việt Nam tại Pháp, thống nhất giao cho ông đứng ra thương thảo với các đối tác.
Qua đàm phán, Nhà đấu giá Millon quyết định không đấu giá ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” mà dành cho ông Nguyễn Thế Hồng đứng ra mua theo giá thỏa thuận. Quá trình đàm phán mua ấn vàng nhận được sự hỗ trợ, đồng hành lớn từ các cơ quan văn hóa, ngoại giao của Việt Nam.