Người miền Trung chật vật mua vé về Tết
Cô gái 23 tuổi nói các năm trước vài ngày sau mở bán vẫn mua được vé đi ngày 26, 27 âm lịch, năm nay cô xin nghỉ phép về quê ăn Tết từ ngày 23 mà lại không còn ghế. "Tôi xem tàu hỏa cũng chỉ còn lác đác vài vé giường nằm, đắt hơn nên phải cân nhắc", cô nói.
Mất cả buổi sáng 6/1 tìm kiếm, Uyên mua lại được một vé xe khách với giá đắt hơn gốc 120.000 đồng. Dù vậy, cô vẫn thấy mừng vì đi xe khách được đưa đón về tận nhà và chỉ mất 4-5 tiếng, trong khi đi tàu mất 6-7 tiếng hoặc lâu hơn.
Với Ngọc Hải, 24 tuổi, quê Hà Tĩnh, mua vé về quê ăn Tết năm nào cũng giống như một trận chiến. "Nhiều năm săn vé thất bại nên năm nay tôi rút ra kinh nghiệm đến xếp hàng từ 2h mà đã thấy hàng chục người đến trước", Hải nói.
Chàng trai từng mua vé online nhưng bị nhà xe hủy phút chót vì chưa thanh toán trước. Sau lần đó anh chỉ dám đến mua trực tiếp dù vất vả để đảm bảo có vé.
Hiện tượng rất đông người xếp hàng và hết vé sau vài tiếng mở bán xuất hiện ở hầu hết các nhà xe chuyên tuyến từ Hà Nội, Hải Phòng về Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Ghi nhận của VnExpress từ 4h ngày 6/1, hàng trăm người chen nhau lấy số thứ tự tại một điểm bán vé xe khách chặng Hà Nội - Nghệ An ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. 7h30 sáng 10/1 tại phòng vé xe chuyên tuyến Hà Nội – Hà Tĩnh có nhiều khách bỏ cuộc vì xếp hàng hai, ba tiếng chưa đến lượt. Nhân viên nhà xe đăng thông báo dừng nhận khách mua qua điện thoại sau 30 phút mở bán.
Đại diện nhà xe Văn Minh (xe giường nằm tuyến Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Hà Tĩnh) cho biết từ 7h sáng 6/1 mở bán vé Tết bằng hình thức trực tiếp, online và qua điện thoại. Sau khoảng 4-5 tiếng toàn bộ số vé của các chuyến từ ngày 23 đến 29 tháng Chạp đã hết. Chuẩn bị cho dịp Tết Giáp Thân, nhà xe này đã tăng cường 35 chuyến, tương ứng 1.000 vé, tăng 10% so với năm ngoái nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.
"Chúng tôi cũng bất ngờ vì lượng khách tăng đột biến. Hệ thống tổng đài nghẽn mạng sau một tiếng mở bán vì quá nhiều khách gọi", đại diện nhà xe nói.
Một nhân viên bán vé của hãng xe An Phú Quý (tuyến Hà Nội - Nghệ An) cho biết chỉ bán trực tiếp tại văn phòng chính ở TP Vinh, Nghệ An, khách ở các tỉnh khác có thể mua qua tổng đài hoặc đặt online. "Chưa đầy một tuần, vé xe Tết cũng hết sạch", nhân viên này cho biết.
Sáng 10/1, hãng xe Dũng Minh (tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh) cho biết từ 4h sáng đã có hàng trăm khách xếp hàng trước cửa văn phòng ở quận Cầu Giấy. Riêng ngày đầu tiên, nhà xe đã bán hơn 1.000 vé, hiện tại không còn vé trên tất cả các chuyến từ ngày 23 đến 29 tháng Chạp.
"Năm nào cũng đông nhưng năm nay lượng khách tới trực tiếp cũng như gọi tổng đài tăng gấp đôi", đại diện nhà xe nói.
Nói về nguyên nhân lượng người mua vé tăng vọt, các nhà xe cho rằng có thể do năm nay nhiều người về quê ăn Tết sớm trong khi đó các nhà này xe có dịch vụ đưa đón tận nhà thuận tiện hơn, giá vé rẻ hơn đi xe từ các bến cố định.
Không chỉ xe khách, người mua vé tàu Tết cũng tăng so với mọi năm. Theo công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn, chặng từ TP HCM và các tỉnh lân cận đi miền Trung đến nay đã hết vé cho các chuyến từ ngày 23 đến 28 tháng Chạp.
Từ đầu tháng 12/2023, nhiều chuyến bay từ Hà Nội, TP HCM đến Thanh Hóa, Vinh đã hết chỗ, còn lại một số rất ít ghế hạng thương gia. Lý giải nguyên nhân, đại diện Vietnam Airlines cho biết nhu cầu đi lại của người dân tăng cao và dồn vào những ngày với khung giờ bay đẹp. Các chuyến bay về miền Trung hết sớm do nhu cầu từ TP Hồ Chí Minh đi Thanh Hóa, Vinh rất cao, nhiều người mua vé ngay sau khi hãng mở bán.
Phương Mai, 25 tuổi, cho biết không năm nào mua vé về Tết sớm vì phải phụ thuộc vào lịch làm việc cuối năm của công ty. Dù vậy, các năm trước cô vẫn mua được vé về. Đầu năm nay, khi kiểm tra hãng máy bay giá rẻ về Nghệ An, Mai thấy ghi "tạm hết", kiểm tra tàu cũng kín chỗ ngày cao điểm 28, 29 tháng Chạp, vé xe khách cũng không còn.
"Có vẻ năm nay mọi người đều muốn về ăn Tết sớm, tôi chắc sẽ thuê xe riêng về quê, chấp nhận giá cao khoảng hơn một triệu đồng một lượt", Mai nói.
Chán cảnh xếp hàng vài tiếng để mua vé xe, Trần Quỳnh, 29 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết ba năm trở lại đây cô đều đi xe máy hơn 300 km từ Hà Nội về Nghệ An.
"Đi xe máy khá nguy hiểm, có lần tôi đã bị tai nạn và mất khoảng hơn 10 tiếng mới về tới quê. Năm nay tôi đã chủ động xếp lịch nghỉ Tết, đặt vé tàu trước hai tháng để không phải chen chúc như mua vé xe khách", Quỳnh cho biết.