Người dân tiếp tục tăng gửi tiền tại ngân hàng lên 6,35 triệu tỷ đồng
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 5, tổng phương tiện thanh toán tại các tổ chức tín dụng, bao gồm tiền gửi của các tổ chức kinh tế, tiền gửi của dân cư, và tiền các khoản phát hành giấy tờ có giá đạt hơn 14,5 triệu tỷ đồng, tăng 2,05% so với cuối năm 2022.
Lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 3,45%, đạt 5,74 triệu tỷ đồng trong khi tiền gửi của dân cư tiếp tục tăng mạnh lên gần 6,35 triệu tỷ đồng, tăng hơn 677.000 tỷ đồng (8,21%) so với cuối năm ngoái. Đây cũng là mức tiền gửi dân cư cao nhất từ trước tới nay.
Lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đã duy trì đà tăng mạnh vượt số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế kể từ tháng 1/2023.
Tính đến cuối tháng 6, NHNN cho biết lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 1 điểm %/năm so với cuối năm 2022.
Lý giải việc người dân tăng gửi tiền vào ngân hàng khi lãi suất giảm, chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển cho rằng chính tâm lý không tin tưởng vào các kênh đầu tư đã khiến người dân tiếp tục mang tiền đi gửi tiết kiệm.
Theo ông, các kênh đầu tư phổ biến như bất động sản, chứng khoán trở nên khá rủi ro với người dân trong bối cảnh hiện tại trong khi việc đầu tư mở rộng kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn.Khi kinh tế càng đi xuống, làm ăn càng khó khăn thì dù cho lãi suất giảm và gửi tiền không sinh lời nhiều như trước, người dân cũng vẫn lo lắng, không dám làm ăn và sẽ tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng.
"Nhìn chung, trong giai đoạn khó khăn, người dân sẽ đều đổ tiền vào ngân hàng. Ở các nước phải triển, họ có thể mua trái phiếu chính phủ còn ở Việt Nam thì không có kênh đó nên người dân sẽ gửi tiền vào ngân hàng", ông nói.
Trong điều kiện hiện nay, khi lãi suất giảm xuống, ông Hiển cho rằng những người có tiền cũng khó quay lại thị trường bất động sản, bởi ai cũng đang "kẹt" trong lĩnh vực này và người dân đang thiếu niềm tin. Bởi vậy, khi lãi suất giảm xuống, "tiền chỉ có thể được rút ra khỏi ngân hàng khi người dân thấy bất động sản khởi sắc".
Còn theo ông Huỳnh Minh Tuấn,Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset, khi lãi suất thấp, những người gửi tiết kiệm sẽ bắt đầu có sự cân nhắc và dịch chuyển phân bổ tài sản của mình. Dòng tiền luôn là "smart money" luôn tìm kiếm tới các khoản đầu tư có lợi nhuận cao hơn, hấp dẫn hơn.
Tiền có thể chuyển từ kênh tiết kiệm sang các thị trường đầu tư khác như bất động sản (BĐS), thị trường chứng khoán nhưng sẽ có độ trễ. "Đối với kênh BĐS có thể trễ vài tháng sau nhưng với kênh chứng khoán thì sẽ nhanh hơn, có thể ngay từ tuần này, tháng sau luôn", ông nói.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/