|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Người dân bán 'nhỏ giọt', giá heo hơi có thể lên tới 70.000 đồng/kg

07:03 | 11/08/2019
Chia sẻ
Theo ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng Thư kí Hiệp hội Chăn nuôi, hiện tại nguồn cung thịt heo đang khan hiếm, trong khi người dân bán 'nhỏ giọt'. Ông Thắng dự báo thời gian tới giá heo hơi có thể lên tới 70.000 đồng/kg.

Nguồn cung miền Bắc vẫn khan hiếm

Giá heo hơi miền Bắc trải qua đà tăng giá "phi mã" trong đầu tháng 8. Tính đến ngày 9/8, giá heo hơi miền Bắc trung bình ở mức 42.000 đồng/kg. Như vậy, so với chi phí nuôi khoảng 35.000 đồng/kg, với mức giá trên người dân lãi khoảng 7.000 đồng/kg.

TỉnhGiá heo hơi 9/8 (đồng/kg)Tăng so với 1/8 (đồng/kg)
Phú Thọ
41.000 - 42.0003.000 - 6.000
Nam Định
42.000 - 43.000
1.000 - 4.000 
Vĩnh Phúc
43.0004.000
Thái Nguyên
43.0004.000
Hải Dương
45.0006.000

Trao đổi với người viết ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng Thư kí Hiệp hội Chăn nuôi, cho biết nguyên nhân của đợt tăng giá vừa qua là nguồn cung heo thịt khan hiếm khi lượng heo bị tiêu hủy do nhiễm dịch tả heo châu Phi đã lên tới hơn 3 triệu con.

Bên cạnh đó, những hộ chăn nuôi may mắn heo không bị nhiễm bệnh và "trụ" được đến thời điểm hiện tại thì chỉ bán "nhỏ giọt" vì kì vọng giá sẽ còn tăng hơn nữa. 

"Thương lái nhiều khi muốn mua nhưng dân lại không muốn bán, khiến nguồn cung càng khan hiếm hơn", ông Thắng cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều hộ vẫn chưa dám tái đàn vì lo tiềm ẩn rủi ro nhiễm bệnh trở lại trong khi chi phí nuôi cho một đàn 10 con là 70 - 100 triệu đồng.

Trong báo cáo thị trường nông sản tháng 7, Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cũng khuyến cáo người chăn nuôi cần chú ý các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của thú y cơ sở, chỉ tăng đàn khi đã đảm bảo các điều kiện về phòng bệnh. 

Đối với các công ty lớn như CP hay Dabaco, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi cho hay mặc dù lượng heo vẫn còn nhiều nhưng nguồn cung heo thịt cũng chỉ chiếm khoảng 10 - 15% tổng đàn trên cả nước. 

Theo Báo Cáo Tài chính quí II hợp nhất của Công ty CP Tập đoàn Dabaco, giá trị hàng hóa tồn kho tính đến ngày 30/6 giảm 32% so với đầu năm còn 62,7 tỉ đồng. Giá trị thành phẩm tồn kho giảm 37,1% xuống 71,8 tỉ đồng.

Trong nửa đầu năm 2019, một số công ty chăn nuôi gặp khó khăn trong kinh doanh do ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi. 

Dabaco cho biết trong quí II, do ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi nên hoạt động sản xuất con giống và chăn nuôi heo của công ty gặp khó khăn dẫn đến lợi nhuận sau thuế trong quí giảm sâu 91% so với cùng kì năm ngoái xuống còn 7,5 tỉ đồng. 

Tính chung trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Dabaco giảm tới 70% xuống 27,5 tỉ đồng. 

Ngoài ra, công ty cũng cho biết việc giá heo hơi quý II năm nay thấp hơn so với cùng kì năm ngoái cũng là yếu tố khiến lợi nhuận sau thuế giảm.

Về biến động của giá heo, ông Thắng cho rằng giá sẽ còn lên cao hơn nữa. 

"Giá heo hơi sẽ còn cao nữa. Đến Tết Nguyên Đán, giá heo hơi có thể lên tới 70.000 đồng/kg. Nếu may mắn giữ được đàn heo không nhiễm bệnh, nhiều nhà chăn nuôi giàu lên từ cơ hội này", ông Thắng dự báo. 

Giá heo hơi miền Nam vẫn thấp vì đâu?

Trong đầu tháng 8, giá heo hơi miền Nam có xu hướng giảm, tuy nhiên hai ngày trở lại đây đã khởi sắc. Thậm chí có nơi tăng tới 4.000 đồng/kg. 

Cụ thể, giá heo hơi tại Gia Kiệm (Đồng Nai) tăng khoảng 4.000 đồng lên 36.000 - 38.000 đồng/kg. Tại Vĩnh Long, giá heo hơi cũng tăng mạnh 2 - 3 giá lên 35.000 - 36.000 đồng/kg, có nơi báo giá lên tới 37.000 đồng/kg.

Giá heo tại Bà Rịa Vũng Tàu cũng tăng vọt lên 36.000 đồng. Tại Hậu Giang, giá heo tăng 2.000 đồng lên 30.000 đồng/kg; Trà Vinh tăng nhẹ 1.000 đồng lên 35.000 đồng.

Mặc dù vậy, giá heo hơi miền Nam vẫn thấp hơn nhiều so với miền Bắc. Có nơi thậm chí thấp hơn 10.000 đồng so với mặt bằng chung toàn miền Bắc như Hậu Giang (chỉ 30.000 đồng/kg).

Giải thích cho điều này ông Thắng cho rằng do nguồn cung ở khu vực miền Nam vẫn lớn, một phần được hỗ trợ từ heo vận chuyển từ các khu vực khác, trong đó có miền Bắc.

"Hiện nay, Trung Quốc đã chặn heo nhập khẩu từ Việt Nam, cụ thể ở đây là miền Bắc. Do đó, nếu heo khỏe mạnh, không nhiễm dịch vẫn được vận chuyển vào miền Nam. Do đó, nguồn cung đỡ khan hiếm hơn", ông Thắng nói. 

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến thịt ào ạt vào Việt Nam?

"Nếu như nói không lo ngại việc heo nhập khẩu vào Việt Nam không mạnh trong 6 tháng đầu năm 2019 thì không đúng. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá lo ngại về vấn đề này", ông Thắng nhận định. 

Giải thích cho vấn đề này ông Thắng phân tích mặc dù lượng thịt nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm tăng tới 6 lần so với cùng kì năm ngoái nhưng cũng chỉ khoảng 15.000 - 20.000 tấn.

Trước đó, trao đối riêng với người viết bên lề sự kiện lấy ý kiến dự thảo Luật chăn nuôi, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi cho biết con số 20.000 tấn không thấm thoát gì so với tổng sản lượng thịt heo Việt Nam là khoảng 3 triệu tấn. Do đó, điều này không quá lo ngại.

ảnh_Viber_2019-08-09_19-11-01

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi. Ảnh: Đức Quỳnh

Ông Thắng cho biết trong số thịt nhập khẩu, lượng phục vụ cho doanh nghiệp nghiệp chế biến thực phẩm chiếm tới quá nửa. Còn lại là phục vụ cho phân khúc cao cấp, những khách hàng có nhu cầu đối với thực phẩm có tiêu chuẩn cao.

Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi cũng cho rằng khó có khả năng doanh nghiệp nhập khẩu hàng triệu tấn thịt do ẩn chứa nhiều rủi ro, nhất là khi xu hướng tiêu thụ thịt mát vẫn chưa phổ biến. 

"Xét ở khía cạnh nào đó, việc nhập khẩu thịt cũng có mặt tích cực nhằm bù đắp một phần nguồn cung thịt, ổn định giá thị trường. 

Ngoài ra, điều này còn giúp thu hút thêm lượng khách hàng có nhu cầu đối với thịt đã qua chế biến, nhất là trong bối cảnh tâm lí sử dụng thịt mát vẫn còn e dè", ông Thắng nói. 

Đức Quỳnh

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.