“Ngựa ô” SHS đột phá
SHS có “võ” gì?
Việc SHS từng bước vươn lên để giành thị phần môi giới cũng có thể chỉ ra một hướng đi cho các CTCK có quy mô trung bình hoặc nhỏ khác. Đó là cần tập trung vào một phân khúc khách hàng, hay sản phẩm nhất định, kiên trì đi theo và sẽ tới lúc đến được đích.
Dù đây chỉ là bảng xếp hạng theo quý và cũng chỉ tại HNX, nhưng SHS giống như làn gió mới thổi vào top 2 thương hiệu vốn khá nhàm chán với 2 cái tên SSI và HSC. Lọt vào top 10 đã khó, top 3 càng khó hơn và lên vị trí dẫn đầu là 1 kỳ tích, dù đây chỉ là một quý. SSI vẫn dẫn đầu về môi giới CP trong cả năm 2016 tại HNX với 11,03%, trong khi SHS ở vị trí thứ 3 với 7,94%. Xét về mặt tên tuổi, SHS rõ ràng chưa so được với SSI, HSC hay VN Direct. Đơn cử, không cần làm trong ngành CK một số người vẫn có thể biết SSI hay HSC là những CTCK hàng đầu.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa xem nhẹ SHS, vì rõ ràng CTCK này phải có những điểm mạnh, thậm chí rất mạnh. Hãy bắt đầu với chi nhánh tại TPHCM của SHS nằm trên tầng 3 của một tòa nhà văn phòng tại đường Nguyễn Công Trứ, quận 1, được mệnh danh là “Phố Wall của Việt Nam”. Tuy nhiên, trên con đường này người ta quen với các sàn như Bảo Việt, SSI hay BSC, vốn là những CTCK lâu đời hơn là SHS. Nơi SHS đặt chi nhánh quan trọng của mình cũng không hoành tráng.
Thế nhưng, những NĐT lâu năm cũng như môi giới kỳ cựu đều đánh giá cao SHS, đặc biệt là tính thực dụng trong hoạt động. Suy cho cùng, với một số NĐT chuyên nghiệp, điều họ cần chính là cơ hội đầu tư cũng như một nguồn tiền margin linh hoạt và phù hợp để có thể tận dụng, mà việc này SHS làm rất tốt. Đó cũng là lý do vì sao dân CK thường nói với nhau, nếu muốn khai thác tối đa những lợi ích về margin, SHS là nơi đáng để thử.
Cũng cần lưu ý, theo một số thống kê về quy mô margin của các CTCK tại thời điểm cuối quý III-2016, SHS nằm ở vị trí giữa trong top 10. Ngoại trừ HSC và SSI, SHS hoàn toàn có thể cạnh tranh về margin một cách sòng phẳng với các CTCK khác. Cũng cần nhắc lại giai đoạn quý IV-2014, khi SHS lọt vào top 6 môi giới tại HOSE, một số ý kiến cho rằng đây chỉ là hiện tượng nhất thời và khó có cơ hội lặp lại. Tuy nhiên, việc lên đầu bảng trong quý IV-2016 đã cho thấy nỗ lực chiến lược trong cả thời gian dài của SHS, chứ không đơn thuần chỉ là khoảnh khắc.
Thời và thế
Cuối tháng 11-2016, giá trị vốn hóa của UPCoM đã lên gần 11 tỷ USD, trong khi vốn hóa của HNX chỉ đạt khoảng 6,6 tỷ USD. Phiên 11-1, GTGD của UPCoM chỉ đạt xấp xỉ 85 tỷ đồng, còn GTGD của HNX đạt hơn 280 tỷ đồng. Xét về mặt vốn hóa, UPCoM đã bỏ HNX rất xa dù GTGD vẫn chưa đuổi kịp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các CTCK giờ đây có thêm một “mặt trận” nữa để cạnh tranh, và như vậy nguồn lực cũng có thể bị phân tán. Đó cũng là cơ hội cho SHS vươn lên.
NĐT theo dõi giao dịch CK tại sàn SHS. |
Cũng nên nhắc đến một trường hợp khá ngạc nhiên là CTCK IB, một CTCK có tuổi đời còn khá trẻ, cũng đã dẫn đầu thị phần môi giới CP tại UPCoM trong năm 2016 với thị phần 11,45%, trong khi SSI ở vị trí thứ 2 với 8,91%, HSC thậm chí ở vị trí thứ 8 với thị phần 5,58%. Điều này thực ra không bất ngờ, vì có những tập đoàn hùng mạnh ở nhiều quốc gia, nhưng khi đến một quốc gia nào đó lại phải chịu xếp sau một công ty địa phương. Vấn đề nằm ở việc am hiểu thị trường và phát huy từng thế mạnh của mình. Sở dĩ SHS dẫn đầu HNX (quý IV-2016) hay IB quán quân UPCoM (cả năm 2016) do có những lợi thế, hay thậm chí am hiểu sàn này. SSI hay HSC khỏi phải bàn với tên tuổi, trình độ nghiệp vụ, nền tảng công nghệ đã thu hút lượng lớn khách hàng tổ chức và lợi thế tại sàn HOSE.
Việc SHS hay IB vươn lên cũng phần nào cho thấy khi thị trường được mở rộng cả về thanh khoản lẫn quy mô, các CTCK cũng “dễ thở” hơn, trong đó cơ hội được chia cho cả các CTCK tốp dưới nếu biết tận dụng thời cơ. Không dễ để các CTCK có thể tạo ảnh hưởng tuyệt đối tại tất cả các sàn như trước. Việc giao dịch CP tại UPCoM hay HNX có những đặc thù riêng biệt trong việc thu thập thông tin, phán đoán đường đi của CP, đòi hỏi nhân viên môi giới phải dày công tìm hiểu và chia sẻ cho khách hàng của mình. Đó cũng là lý do một số CTCK nắm lợi thế về thông tin của CP và có thể chấp nhận cấp margin với tỷ lệ cao hơn một số CTCK khác, đồng thời cũng tư vấn mua bán chuẩn hơn.
Thị trường càng mở rộng, CTCK càng có nhiều cơ hội và lúc này có thể tạo ra nhiều sự cạnh tranh theo hướng có lợi cho các khách hàng. Chính các khách hàng cũng có thể nhận được sự chăm sóc theo chiều hướng cá nhân hóa nhiều hơn, tức các chính sách có thể chia nhỏ hơn cho từng nhóm khách hàng khác nhau, tùy theo khẩu vị của mỗi người. Sự gắn bó giữa khách hàng và CTCK nhờ vậy cũng trở nên chặt chẽ hơn nữa.