Nghiên cứu khả thi Dự án phát triển các hành lang đường thuỷ và logistics phía Nam
Theo thông tin từ Bộ GTVT, chiều 23/8, tại trụ sở Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã chủ trì nghe báo cáo cuối kỳ Nghiên cứu khả thi Dự án phát triển các hành lang đường thuỷ và logistics khu vực phía Nam.
Tham dự có đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), các Vụ, Cục, Hội Cảng đường thủy và thềm lục địa Việt Nam, các chuyên gia, đơn vị tư vấn...
Tại cuộc họp, đại diện đơn vị tư vấn đã trình bày thiết kế cơ sở các tuyến đường thuỷ nội địa SWLC cho hành lang Đông - Tây và Hành lang Bắc - Nam; mô hình thuỷ lực Đồng bằng Sông Cửu Long; đánh giá tác động môi trường, xã hội và tái định cư; dự báo kinh tế - vận tải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long- TP Hồ Chí Minh và Cái Mép Thị Vải, phân tích chi phí lợi ích cho các hành lanh ĐTNĐ của Dự án SWLC...
Ảnh minh họa: Internnet. |
Bên cạnh đó, tư vấn cũng trình bày nghiên cứu khả thi hệ thống VTMS kênh Chợ Gạo, nghiên cứu logistics container ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công yêu cầu Ban Quản lý các dự án đường thủy cùng các đơn vị tư vấn tiếp thu tất cả các ý kiến tại cuộc họp, bổ sung hoàn thiện báo cáo cuối kỳ trong tháng 9/2017.
Thứ trưởng đề nghị đơn vị tư vấn cần xây dựng báo cáo một cách hoàn chỉnh, có chất lượng cao làm nổi bật được mục đích của Dự án phát triển các hành lang đường thuỷ và logistics khu vực phía Nam là tăng trưởng xanh, bền vững và xóa đói giảm nghèo.
Dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam đường đề xuất với chi phí đầu tư dự kiến 300 triệu USD. Dự án được thực hiện tại khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL. Mục tiêu là nhằm nâng cao hiệu quả giao thông đường thủy nội địa và kết nối thương mại khu vực ĐBSCL. Đồng thời giảm chi phí cho các chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu bằng container tại các khu đô thị lớn như TP HCM.
Dự án sẽ tiến hành cải tạo mạng lưới đường thủy nội địa ĐBSCL, cải thiện tiêu chuẩn độ sâu chạy tàu và năng suất vận tải hàng hóa thông qua khả năng vận chuyển của trục chính Cần Thơ – TP HCM, qua kênh Chợ Gạo và Măng Thít; Đồng thời cải thiện hệ thống hành lang logistics kết nối đến cảng phức hợp Cái Mép – Thị Vải.