Nghiên cứu đề xuất cho phép một số KCN của Thanh Hoá áp dụng cơ chế đặc thù như Khu kinh tế Nghi Sơn
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về Đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy, biên chế cho tỉnh Thanh Hóa.
Trước đó, vào tháng 7/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các chính sách đặc thù trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Trong đó nổi bật là chính sách cho phép một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh được áp dụng các chính sách giống như Khu kinh tế Nghi Sơn; chính sách phân cấp, ủy quyền cho UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định chủ trương đầu tư các dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tại Khu kinh tế Nghi Sơn.
Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hoá cũng kiến nghị Chính phủ cho phép tỉnh được tăng thêm không quá 10 Phó Giám đốc sở… làm cơ sở thực hiện hoàn thành các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về đề xuất này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến của các Bộ liên quan để giải trình, hoàn thiện các kiến nghị về cơ chế, chính sách đặc thù, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổng hợp, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng Đề án báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy, biên chế cho tỉnh Thanh Hóa.
Trước đó, tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW của Bộ Chính trị “về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho biết, mục tiêu của tỉnh là xây dựng Thanh Hóa trở thành trung tâm lớn của vùng và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo.
Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn thành trung tâm năng lượng của cả nước với hạt nhân chính là các sản phẩm của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, các ngành công nghiệp năng lượng (gồm Nhiệt điện, điện gió và điện – khí LNG)
Cũng như, thu hút đầu tư các dự án có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, như: Điện tử viễn thông, công nghiệp dược phẩm, thiết bị y tế. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, như: Xi măng, thép; đẩy mạnh liên kết để nâng cao chất lượng, hạ giá thành, tạo dựng thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.