Nghi vấn ‘quỹ đen’ ở Cục Đường thủy nội địa
Bộ Giao thông lập tổ xác minh vụ 'quỹ đen' tại Cục Đường thủy nội địa |
LTS: Dư luận bấy lâu nay râm ran về chuyện các công ty trúng thầu phải trích nộp một phần tiền trở lại cho chủ đầu tư (với một tỉ lệ nhất định trên giá trị trúng thầu). Để làm rõ thực hư vấn đề này, PV Pháp Luật TP.HCM đã nhập cuộc điều tra và thu thập chứng cứ tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) - đơn vị được giao một khối lượng kinh phí bảo trì đường thủy nội địa rất lớn (vài trăm đến gần cả ngàn tỉ đồng/năm).
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (VN) thuộc Bộ GTVT (số 5 Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) là nơi thu “quỹ đen” của các công ty trúng thầu những công trình do đơn vị này làm chủ đầu tư.
Cử “thủ quỹ” riêng thu 5%-20%
Mức thu tùy theo lớn hay nhỏ nhưng ít nhất thì 5%, nhiều thì khoảng 20%. Thời gian thu “quỹ đen” vào tháng đầu năm vì lúc này Cục Đường thủy nội địa VN hoàn tất hồ sơ quyết toán, giải ngân toàn bộ ngân sách của năm trước.
Mỗi khi đến dịp giải ngân, Cục Đường thủy lại cử ra một “thủ quỹ” đứng ra thu tiền của các công ty đến nộp.
Theo tài liệu thu thập của chúng tôi, liên quan đến quỹ này trong các năm 2015 đến 2016 có các ông Phạm Văn Thông (thời đó là giám đốc Ban quản lý dự án (QLDA)), ông VMH (một cán bộ thân cận với lãnh đạo cục), ông NXH… Theo đó, những ai được giao làm thủ quỹ đều có nhiệm vụ thu chi số quỹ này.
Để làm rõ việc thu “quỹ đen” này là có hay không, chúng tôi đã trao đổi với ông Phạm Văn Thông, một trong những người từng đảm trách việc nhận “quỹ đen” này.
Ban đầu, khi nghe hỏi về việc có hay không chuyện Cục thu “quỹ đen” của các công ty trúng thầu, lập tức ông Thông phản ứng: “Làm gì có chuyện đó”. Tuy nhiên, sau khi PV đưa chứng cứ ra trước mặt ông Thông và hỏi dồn: “Đây có phải chữ của anh không?”, ông Thông trả lời: “Phải…”. PV tiếp tục đưa tài liệu những công trình mà công ty trúng thầu đến nộp “quỹ đen”. “Đây có phải chữ của đại diện các công ty đến nộp tiền không?”, ông Thông trả lời: “Đúng…”.
Trụ sở Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và những phiếu thu “quỹ đen” từ các công ty trúng thầu. Ảnh: HOÀI NAM |
Quá trình thu quỹ ra sao?
Biết không thể giấu được sự thật, ông Thông bắt đầu nói toàn bộ quá trình thu chi “quỹ đen” mà mình biết được.
“Đầu năm 2016, cấp trên chỉ đạo tôi đứng ra thu của một số công ty đã trúng thầu ở các gói thầu mà Cục Đường thủy làm chủ đầu tư trong năm 2015. Nhận bao nhiêu tôi báo cáo đầy đủ với lãnh đạo. Việc thu phần trăm này là có sự thỏa thuận trước khi công ty trúng thầu. Khi công trình được nghiệm thu và chủ đầu tư giải ngân xong, lúc này công ty mới mang tiền đến nộp, nếu công ty ứng trước cho ai đó trong Cục thì khi nộp sẽ trừ ra…” - ông Thông nói.
Vì sao có những công ty đến nộp “quỹ đen” nói rõ giá tiền trúng thầu nhưng lại trừ đi 10%, số tiền còn lại bao nhiêu được nhân với các tỉ lệ khác nhau? Ông Thông giải thích: “Đó là tiền thuế thu nhập phía công ty được trừ đi 10% không phải nộp quỹ”. Ví dụ, một công ty trúng để thi công một gói thầu là 1 tỉ đồng, công ty được trừ 10% gọi là thuế thu nhập, còn lại 900 triệu đồng. Sau đó, số tiền phía công ty phải nộp cho Cục là 5%-20%. Việc thu quỹ này cũng còn phụ thuộc vào các gói thầu lớn hay nhỏ nhưng ít nhất là 5%, nhiều thì 20%. Nếu công ty tạm ứng trước khi trúng thầu thì lúc nộp công ty tự trừ đi”.
Đường đi của “quỹ đen”
Tiền “quỹ đen” mà Cục Đường thủy nội địa thu của công ty hằng năm được sử dụng vào việc đi ngoại giao, thanh toán công tác phí, đi quà sinh nhật cho các sếp cấp trên...
Cụ thể, ai muốn chi vào việc gì chỉ cần đưa đề xuất có ký duyệt của lãnh đạo Cục, lúc đó “thủ quỹ” sẽ xuất tiền. Ngoài ra, ông VMH cũng được giao sử dụng tiền quỹ này.
Nói rõ hơn về đường đi của quỹ này, ông Phạm Văn Thông cho hay: “Đầu năm 2016, lúc tôi được cử làm thủ quỹ, một lãnh đạo cục chỉ đạo khi nào ông VMH hỏi thì đưa tiền cho ông VMH”.
Đơn cử, ông Thông liệt kê có hai lần ông VMH nhận từ ông số tiền lên đến hàng tỉ và hơn 22.000 USD. “Số tiền này tôi thu của nhiều công ty mang đến nộp. Vì được giao quản lý, tôi không dám để ở cơ quan, sợ mất nên mang về nhà cất giữ. Khoảng trưa 28-1-2016, ông VMH gọi điện thoại cho tôi, nói: “Sếp bảo đưa em 2 tỉ”, vì vậy tôi phải về nhà lấy.
Lúc về nhà lấy tiền, tôi có rủ thêm anh ĐAH làm cùng cơ quan. Anh ĐAH chứng kiến tôi lấy 2 tỉ đồng và hơn 22.000 USD mang đến Cục đưa cho ông VMH tại phòng làm việc, còn ông VMH mang đi đâu tôi không rõ” - ông Thông nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông ĐAH làm xác nhận với PV chính ông chứng kiến việc ông Thông đi từ cơ quan về nhà ông Thông lấy 2 tỉ đồng, ngồi trên ô tô ông Thông có nói về lấy 2 tỉ đồng mang lên đưa cho ông VMH.
Ngoài số tiền trên, ông Thông còn cho hay ông có đưa cho ông VMH một số tiền không nhỏ khác vào ngày 29-1-2016, sau khi có công ty đến nộp thêm hàng trăm triệu đồng vào quỹ.
Hàng loạt công ty đã nộp quỹ
Theo các tài liệu chúng tôi thu thập được, trong những năm 2015-2017 có hàng chục công ty trúng thầu thi công các công trình như nạo vét, phá đá, rà phá bom mìn, khảo sát thông báo luồng… do Ban QLDA và Cục Đường thủy nội địa làm chủ đầu tư, đã “trích chi” vào “quỹ đen” ở Cục Đường thủy nội địa VN.
Số tiền mỗi công ty, đơn vị nộp “quỹ đen” ít nhất 90 triệu đồng, nhiều nhất là vài trăm triệu đồng.
(Còn nữa)
Xem thêm |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/