Ngày càng nhiều công ty muốn rời khỏi 'xứ giàu' Catalonia
Ngay sau khi Banco Sabadell, một trong những ngân hàng lớn nhất Tây Ban Nha, tuyên bố sẽ dời trụ sở chính từ Barcelona, thủ phủ Catalonia, sang Alicante ở phía tây nam đất nước, thì hàng loạt công ty khác cũng nối đuôi theo sau. Cụ thể những công ty mới muốn rời khỏi vùng tự trị miền đông bắc bao gồm nhà cho vay lớn thứ ba Tây Ban Nha Caixabank, công ty cung cấp năng lượng Gas Natural Fenosa, hãng dệt Dogi International Fabrics.
Biểu tình đòi độc lập ở Barcelona |
Công ty công nghệ sinh học Oryzon Genomics cho biết họ cũng sẽ chuyển từ Barcelona đến Madrid để “tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và mối quan hệ với các nhà đầu tư”. Nguyên nhân khiến các công ty nhanh chóng muốn rời khỏi “xứ giàu” Catalonia là để bảo vệ lợi ích của công ty, khách hàng, nhân viên, chủ nợ và cổ đông trong tình hình chính trị - xã hội bất ổn như hiện nay. Một số công ty khác trong vùng từ chối bình luận chính thức về thông tin di dời.
Các nhà chức trách Catalonia đã có kế hoạch đưa ra tuyên bố độc lập đơn phương vào đầu tuần tới sau một cuộc trưng cầu dân ý kéo dài vào chủ nhật tuần trước, trong đó có tới 90% người dân xứ này bỏ phiếu ủng hộ việc ly khai khỏi mẫu quốc. Hiện chưa rõ Catalonia có tiếp tục với kế hoạch đó hay không nhưng một đảng ủng hộ độc lập hôm 6.10 nói rằng đã đến lúc phải tách ra.
“Chúng tôi nghĩ rằng bây giờ là thời điểm để tuyên bố độc lập. Người dân kêu gọi độc lập và giờ là lúc chính quyền phải tuân theo”, Carles Riera, phát ngôn viên của đảng cánh tả CUP, phát biểu trong một cuộc họp báo ở Barcelona.
Để ngăn chặn thiệt hại cho nền kinh tế, quan chức địa phương Catalonia cho biết họ đã thành lập một ủy ban nhằm giúp trấn an tình trạng lo lắng của các công ty và trả lời tất cả câu hỏi có liên quan đến tình hình kinh tế - chính trị của khu vực. “Mục đích của sáng kiến này là đem lại sự bình tĩnh, đảm bảo an toàn cho mọi công ty hoạt động tại Catalonia”, Josep Lluís Mérida, người phát ngôn của chính quyền Catalonia, cho hay.
Trong khi đó, chính quyền Madrid cũng đã tạo điều kiện để các công ty dễ dàng rời khỏi khu vực tự trị giàu có nhất nước thông qua một đạo luật loại bỏ một số yêu cầu về giấy tờ cần thiết để việc “chuyển nhà” trở nên hợp pháp.
Theo ông Christopher Dottie, Chủ tịch Phòng Thương mại Anh tại Tây Ban Nha, hành động ly khai sẽ tạo ra nhiều rủi ro mới cho doanh nghiệp. Một số công ty sẽ có xu hướng muốn chuyển sang các khu vực khác “ổn định và an ninh hơn” của Tây Ban Nha, thay vì ở lại nơi “đầy bất ổn và nhiều rủi ro”. “Chúng tôi không thể nói trước về điều gì sẽ xảy ra. Chúng tôi là những người phi chính trị, nhưng chúng tôi có trách nhiệm cảnh báo về tình hình không chắc chắn có liên quan đến kinh tế”, ông Dottie nói.
Catalonia là vùng sản xuất hiệu quả nhất của Tây Ban Nha, với 7.100 công ty nước ngoài bao gồm Volkswagen, Nissan và Cisco đang hoạt động. Nếu khu vực này tuyên bố độc lập, chính quyền Madrid có thể phản ứng bằng cách áp đặt luật lệ trực tiếp lên khu vực, một cuộc đàn áp nhiều khả năng sẽ đẩy căng thẳng lên cao và tạo thêm tình trạng hỗn loạn, gây lo lắng cho giới đầu tư, cũng như làm gián đoạn kinh doanh.
Tỷ giá USD hôm nay (9/10) tiếp đà giảm so với các đồng tiền chủ chốt khác
Tỷ giá USD hôm nay (9/10) giảm so với các đồng tiền chủ chốt khác trong phiên giao dịch sớm ở châu Á vì tình ... |