Ngày 20/11: BIDV chốt danh sách xin ý kiến cổ đông bằng văn bản
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Ảnh: BIDV) |
Theo thông báo từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - mã CK: BID) vừa thông báo về ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách lấy ý kiến cổ đông vào ngày 20/11 tới đây.
Nội dung xin ý kiến lần này hiện chưa được công bố chính thức, chỉ biết rằng đây là vấn đề thuộc thẩm quyền thông qua của Đại hội đồng cổ đông. Thời gian thực hiện lấy ý kiến dự kiến là ngày 11/12/2017.
Trong đại hội cổ đông thường niên năm 2017, Tổng giám đốc Phan Đức Tú chia sẻ năm 2017, BIDV đặt trọng tâm nhiệm vụ triển khai đề án tăng cường năng lực tài chính toàn diện, cụ thể là tăng vốn điều lệ của ngân hàng. Các phương pháp thực hiện được nhắc đến là phát hành riêng lẻ, ESOP và phát hành trái phiếu tăng vốn có khả năng chuyển đổi thành cổ phiếu.
Ngân hàng cũng đã đưa ra 3 phương án phát hành cổ phiếu gồm (1) Phát hành ESOP khoảng 102,6 triệu cổ phần; (2) Phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho 20 nhà đầu tư khoảng 102,6 triệu cổ phần và (3) Phát hành cổ phiếu để chia cổ tức với tỷ lệ 7%.
Tuy nhiên việc phát hành cổ phiếu bằng cổ tức đã được bác ngay trong đại hội khi BIDV nhận được quyết định từ Bộ Tài Chính yêu cầu trả cổ tức tiền mặt. Khoản cổ tức này cũng đã được ngân hàng thực hiện vào tháng 8/2017 vừa qua.
Trong báo cáo mới đây của Công ty Cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC) cũng có nhắc đến khả năng BIDV sẽ thực hiện tăng vốn cấp 1 và phát hành cổ phần cho một ngân hàng Hàn Quốc nhưng khó có thể hoàn tất trong năm 2017 do từ nay đến cuối năm không còn nhiều thời gian.
Đầu tháng 11 vừa qua, ông Nguyễn Huy Tựa - Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) BIDV chính thức thôi nhiệm để nghỉ hưu chế độ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, nhiều khả năng ngân hàng sẽ có phương án bổ sung nhân sự cho vị trí này. Hiện tại, HĐQT BIDV gồm có 9 thành viên trong đó ông Trần Anh Tuấn đảm nhiệm vị trí Ủy viên phụ trách HĐQT.
Tính đến hết 30/9/2017, tổng tài sản của BIDV đạt 1.125.908 tỷ đồng, tăng trưởng 11,9% so với đầu năm. Tổng nguồn vốn huy động đạt 1.053.841 tỷ đồng, tăng trưởng 12,1%, trong đó tiền gửi khách hàng đạt 823.073 tỷ đồng, tăng 13,36%. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 6.002 tỷ đồng, tăng trưởng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Nợ xấu của ngân hàng tăng cao xấp xỉ 20% với 17.245 tỷ đồng, nâng tỷ lệ nợ xấu từ 1,99% lên 2,08%.
Lợi nhuận sau thuế BIC giảm hơn 12% trong quý III, đạt 34 tỷ đồng
Luỹ kế 9 tháng đầu năm lợi nhuận của BIC đạt 134 tỷ đồng, bằng 72% kế hoạch năm. |