Ngành than được đầu tư khoảng 269.000 tỷ đồng
Bộ Công Thương cho biết mục tiêu của Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, xét đến 2030 là xây dựng ngành than Việt Nam trở thành ngành công nghiệp phát triển, có sức cạnh tranh cao, có trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực ở tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sàng tuyến, chế biến, sử dụng than. Đáp ứng đủ than cho nhu cầu sử dụng trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện.
Bình quân mỗi năm ngành than được đầu tư 17.934 tỷ đồng.
Nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than đến năm 2030 khoảng 269.003 tỷ đồng, bình quân là 17.934 tỷ đồng/năm. Vốn đầu tư phát triển ngành than theo Quy hoạch dự kiến thu xếp từ các nguồn: vốn tự có, vay thương mại, vay ưu đãi, huy động qua thị trường chứng khoán và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Theo tính toán, nhu cầu sử dụng than năm 2020 khoảng 86,4 triệu tấn, năm 2025 khoảng 121,5 triệu tấn và năm 2030 khoảng 156,6 triệu tấn. Trong đó, nhu cầu thân lớn nhất đó là nhiệt điện, với sử dụng của năm 2020 khoảng 64,1 triệu tấn; năm 2025 khoảng 96,5 triệu tấn và năm 2030 khoảng 131 triệu tấn.
Quy hoạch nêu rõ định hướng đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu thụ trong nước, qua đó giảm dần xuất khẩu và chủ động tìm nguồn than nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện.
Đối với lĩnh vực điện, Bộ Công Thương cho biết sẽ nâng cao chất lượng của hệ thống cung cấp điện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của ngành than, áp dụng đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện.
Để thực hiện Quy hoạch này, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các giải pháp đảm bảo cung cấp than dài hạn như đẩy mạnh thăm dò bể than Đông Bắc nhằm nâng cấp trữ lượng than, đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá tài nguyên than tại bể sông Hồng, tích cực đàm phán với các nước xuất khẩu than trên thế giới để ký hợp đồng nhập khẩu than ổn định, lâu dài, áp dụng các phương pháp tiên tiến trong lĩnh vực quản trị tài nguyên, bảo vệ tài nguyên, kiểm soát từ khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ.
Cùng với đó là các biện pháp đa dạng hóa việc huy động vốn. Đẩy mạnh đâu tư, tăng cường hợp tác-liên kết,đa dạng hóa phương thức đào tạo. Đẩy mạnh nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao làm chủ công nghệ.