|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ngân sách mất 6.000 tỉ đồng vì giảm 50% phí trước bạ xe trong nước

23:38 | 06/06/2020
Chia sẻ
Đánh giá tác động của việc giảm 50% phí trước bạ đăng ký ô tô trong nước, Bộ Tài chính cho biết ngân sách địa phương năm 2020 ước tính giảm thu khoảng 6.000 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, mức giảm thu phí trước bạ ô tô trong nước sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu của địa phương bởi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước thì khoản thu lệ phí trước bạ thuộc ngân sách địa phương.

Ngân sách mất 6.000 tỉ đồng vì giảm 50% phí trước bạ xe trong nước - Ảnh 1.

Bộ Tài chính cho biết, việc giảm 50% phí trước bạ sẽ khiến ngân sách địa phương mất khoảng 6.000 tỷ đồng/năm 2020

Tuy nhiên, với dự báo nhu cầu ô tô của nước ta năm 2025 trung bình khoảng 800-900 nghìn xe và năm 2030 khoảng 1,5-1,8 triệu xe, việc kích cầu tiêu dùng, sản xuất ô tô lắp ráp trong nước tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Theo Bộ Tài chính, Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, khách hàng tiêu dùng lớn của xe cá nhân, đến năm 2025, dự kiến nhu cầu thị trường trong nước đạt khoảng 800 đến 900 nghìn xe/năm, mức tiêu thụ xe tại thị trường Việt Nam 5 năm tới dự kiến 10,5%/năm.

Đánh giá tác động chính sách, Bộ Tài chính cho biết, việc giảm phí trước bạ góp phần làm tăng việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, có tác dụng lan tỏa sang các ngành kinh tế khác và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau dịch covid-19.

"Việc giảm lệ phí trước bạ là giải pháp hỗ trợ tài chính cần thiết nhằm tăng sức mua trong nước, tạo đà cho việc tái sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Về phía nhà sản xuất, phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, việc điều chỉnh giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ kích cầu tiêu dùng xe sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho kể từ khi dịch Covid-19, giúp ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sớm vượt qua khủng hoảng và phát triển.

Bên cạnh đó, việc giảm 50% phí trước bạ giúp các nhà sản xuất ô tô trong nước đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp xe mới đưa vào thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

"Điều này giúp các doanh nghiệp xe hơi tại Việt Nam đạt tỷ lệ xe sản xuất, lắp ráp trong nước chiếm 70%, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, hướng tới mục tiêu xuất khẩu sang khu vực ASEAN'', Bộ Tài chính cho biết.

Đối với kinh tế - xã hội, đây là một trong những giải pháp giúp cho kinh tế tăng trưởng bởi ngành ô tô được đánh giá là ngành mũi nhọn, hiện đang đóng góp khoảng 3%GDP của cả nước.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, xu thế ô tô hóa tại Việt Nam dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi GDP bình quân đầu người vượt 3.000 USD và số xe trung bình đạt 50 xe/1.000 dân.

Việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước giúp người tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiết kiệm khoảng 15 - 300 triệu đồng (tùy mẫu xe) so với trước đây.

Ngày 5/6, Bộ Tài chính đã gửi văn bản xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội về việc giảm 50% phí trước bạ đối với xe hơi sản xuất trong nước. 

Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành và địa phương gửi ý kiến về Bộ Tài chính trước ngày 9/6/2020 để sớm trinh Thủ tướng ký ban hành trong tháng 6/2020.



An Linh