|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng Việt thuộc nhóm có thu nhập lãi thuần giảm mạnh nhất thế giới

11:14 | 11/07/2024
Chia sẻ
Theo The Banker, đa số ngân hàng trên toàn cầu ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng trưởng mạnh nhờ môi trường lãi suất cao. Tuy nhiên, ngân hàng Việt Nam lại đi ngược xu hướng này.

Ngân hàng Việt Nam thuộc nhóm giảm thu nhập lãi thuần nhiều nhất

Tạp chí The Banker vừa công bố danh sách 1.000 ngân hàng hàng đầu thế giới năm 2024. Các ngân hàng trong danh sách được sắp xếp theo quy mô tài sản, lợi nhuận, quy mô vốn cấp 1 và các chỉ tiêu sinh lời, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) vào cuối năm 2023 hoặc năm tài chính gần nhất. 

Theo đánh giá của The Banker, ngành ngân hàng toàn cầu đã ghi nhận một năm tăng mạnh khi lãi suất duy trì ở mức cao đã giúp phần lớn ngân hàng ghi nhận lợi nhuận kỷ lục trong năm 2023. 

Tuy nhiên, trái ngược với xu hướng trung trên toàn cầu, thu nhập lãi thuần (NII) của các ngân hàng châu Á lại quay đầu giảm vào năm ngoái. Trong danh sách của The Banker, có 7 nền kinh tế ghi nhận thu nhập lãi thuần giảm, tất cả đều ở tại châu Á. Danh sách này chỉ bao gồm những những nền kinh tế có tổng NII đạt trên 10 tỷ USD.

 

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có NII tụt sâu nhất so với cùng kỳ 2022. Cụ thể, thu nhập lãi thuần của các ngân hàng tại quốc gia Trung Đông này đã giảm 41,4%, xuống còn 16,3 tỷ USD. 

Kết quả này phản ánh chính sách tiền tệ phi truyền thống mà Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng trong những năm vừa qua. Bất chấp lạm phát phi mã trong năm 2022- 2023, quốc gia này vẫn quyết định hạ lãi suất chính sách. Mãi đến cuối tháng 6/2024, Thổ Nhĩ Kỳ mới bắt đầu chiến dịch thắt chặt, đưa lãi suất lên 50%/năm. Ngoài ra, đồng lira trượt giá sâu cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới NII của các ngân hàng. 

6 nền kinh tế còn lại, bao gồm Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều nằm ở Châu Á - Thái Bình Dương. Những nền kinh tế trên phần nhiều đang có mức lạm phát thấp trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, thay vì tình trạng lạm phát cao như tại châu Âu và Bắc Mỹ. 

Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia đi ngược lại với xu hướng chung của toàn thế giới khi tiến hành hạ lãi suất trong năm 2023. Nhật Bản cũng tiếp tục duy trì chính sách lãi suất âm trong suốt cả năm 2023. 

Theo thống kê từ báo cáo tài chính 29 ngân hàng Việt Nam, thu nhập lãi thuần năm 2023 đạt 504.800 tỷ đồng (gần 20 tỷ USD), tăng 3,2% so với năm trước.

Nhiều khả năng danh sách của The Banker không bao gồm tất cả các ngân hàng tại Việt Nam. Đồng thời, NII sau khi quy đổi từ VND sang USD có thể chịu tác động của tỷ giá.

Tại Việt Nam, NII của các ngân hàng thu hẹp nhanh chóng trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ba lần hạ lãi suất trong năm 2023.

Đồng thời, Chính phủ và NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Theo báo cáo của NHNN, lãi suất cho vay trong năm 2023 đã giảm 2,5 điểm %/năm so với cuối 2022.  

Trong khi đó, chi phí huy động duy trì vẫn ở mức cao do lãi suất huy động thời điểm cuối năm 2022, đầu 2023 lên cao nhất trong nhiều năm. Ngoài ra, tín dụng tăng trưởng thấp cũng ảnh hưởng tới NII của nhiều ngân hàng. 

Ở chiều ngược lại, các ngân hàng ở châu Âu lại hưởng lợi lớn từ môi trường lãi suất cao. Các nhà phân tích của European Stability Mechanism nhấn mạnh các nhà băng châu Âu đã thu về “lợi nhuận bùng nổ” nhờ “nâng lãi suất cho vay trong khi giữ lại suất tiền gửi ở mức thấp trong bối cảnh lãi suất chính sách tăng lên”. 

Do lãi suất cho vay tại châu Âu nhìn chung đi lên nhanh hơn nhiều lãi suất tiền gửi, tương ứng biên lãi thuần (NIM) mở rộng, các ngân hàng đã ghi nhận NII tăng đáng kể. 

Theo dữ liệu của The Banker, 8/10 quốc gia có NII tăng nhanh nhất đến từ châu Âu. Trong đó, dẫn đầu là Phần Lan với mức tăng 54%, tương đương NII 12,4 tỷ USD. Italy đứng vị trí thứ hai trong danh sách, với NII đạt 60,6 tỷ USD, tăng 52% so với năm trước. 

Singapore là đại diện duy nhất của châu Á xuất hiện trong top 10 quốc gia có NII tăng cao nhất. Trong năm 2023, NII của các ngân hàng tại quốc gia này đã tăng gần 24%, lên 25,1 tỷ USD. 

 

Triển vọng không chắc chắn

Năm ngoái, lợi nhuận trước thuế của 1.000 ngân hàng thế giới đạt 1.530 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2022. Trong đó, khu vực châu Âu ghi nhận mức tăng tới 40,7% nhờ môi trường lãi suất cao. 

Bước sang năm 2024, lợi nhuận ngành ngân hàng toàn cầu được cho là sẽ đối mặt nhiều thách thức khi lạm phát bắt đầu hạ nhiệt có thể khiến các ngân hàng trung ương bắt đầu hạ lãi suất. 

Ví dụ, vào tháng 6, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất chính sách thêm 0,25 điểm %. Tuy nhiên, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng cảnh báo không nên suy luận rằng quỹ đạo giảm lãi suất đã rõ ràng.

Ở Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 6. Theo dự báo của các quan chức, trong năm nay Fed sẽ chỉ hạ lãi suất một lần trong năm nay, với quy mô 0,25 điểm % vào tháng 12. Trong khi đó, thị trường tương lai kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất hai lần, bắt đầu vào tháng 9. 

Minh Quang