Ngân hàng Việt thay đổi như thế nào trong tay các 'nữ tướng'?
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng Giám đốc Sacombank
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm (48 tuổi), có trình độ Thạc sĩ Quản trị kinh doanh và có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế - tài chính - ngân hàng. Bà Diễm được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) từ tháng 7/2017.
Trong những năm "cầm quân" của bà Diễm, kết quả kinh doanh của Sacombank có những chuyển biến rõ rệt, giúp ngân hàng vượt qua khó khăn sau giai đoạn tái cơ cấu.
Tăng trưởng lợi nhuận của Sacombank trong khoảng thời gian này luôn đạt 2 chữ số. So với năm 2016, lợi nhuận trước thuế năm 2020 của ngân hàng đã gấp 21 lần với 3.339 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2020, tổng tài sản của ngân hàng đạt 492.637 tỷ đồng, tăng 78% so với cuối năm 2016. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 340.268 tỷ đồng, tăng 71%. Quy mô tiền gửi khách hàng đạt 427.972 tỷ đồng, tăng 45%.
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu trển tổng dư nợ cho vay đã giảm mạnh từ 9,3% vào thời điểm bà Diễm nhận chức xuống mức 1,7%.
Bà Thái Hương - Tổng Giám đốc Bac A Bank
Bà Thái Hương (63 tuổi) quê tại Nghệ An, là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank).
Là một trong những thành viên sáng lập và cũng là người "điều lái" Bac A Bank kể từ năm 1994, bà Thái Hương đã đưa Bac A Bank từ số vốn điều lệ ban đầu từ 20 tỷ đồng lên hơn 7.000 tỷ đồng.
Trong thời gian bà Hương lãnh đạo, lợi nhuận của Bac A Bank liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 5,5%/năm.
Tính tới ngày 31/12/2020, tổng tài sản của ngân hàng đạt 117.300 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cuối năm trước. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 8,9%, đạt 79.440 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 13,5%, ở mức 86.442 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay ở mức 0,79%.
Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đầy khắc nghiệt, bà Hương còn khiến nhiều người khâm phục khi là doanh nhân đi đầu trong lĩnh vực chăn nuôi và sản xuất sữa bò từ năm 2009 với thương hiệu sữa TH True Milk.
Năm 2015, 2016 bà Thái Hương đã lọt top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á của Forbes bình chọn. Bà Hương cũng là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn.
Bà Lê Thu Thủy - Tổng Giám đốc SeABank
Bà Lê Thu Thủy (38 tuổi), hiện là Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank).
Bà Thủy có thâm niên làm việc gần 15 năm tại SeABank và nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở các tổ chức tài chính ngân hàng quốc tế. Bà được bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc từ năm 2018 và hiện là nữ CEO ngân hàng trẻ tuổi nhất Việt Nam.
Trong 2 năm giữ vị trí "ghế nóng", quy mô tổng tài sản của SeABank tăng gần 30% đạt 180.207 tỷ đồng vào cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 25% với 108.969 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 60% với 138.665 tỷ đồng.
Trong năm 2020, lợi nhuận trước thuế của SeABank đạt 1.729 tỷ đồng, tăng 24,3% so với năm 2019 và cao gấp gần 3 lần năm 2018.
Năm 2017, bà Thủy được The Asian Banker (Singapore) chọn là nhà lãnh đạo ngân hàng trẻ triển vọng Việt Nam. Trước đó, năm 2015, Lê Thu Thuỷ là nữ doanh nhân trẻ nhất trong danh sách bình chọn "Những doanh nhân nữ đáng chú ý nhất của thế hệ doanh nhân trẻ", do Forbes tổ chức.
Bà Trần Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Kienlongbank
Bà Trần Tuấn Anh (45 tuổi), hiện đang nắm giữ chức vụ Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank). Bà được bổ nhiệm vị trí điều hành cao nhất của ngân hàng từ tháng 4/2018 sau hơn hai tháng giữ chức Quyền Tổng Giám đốc.
Bà Tuấn Anh có trình độ cử nhân Tài chính Ngân hàng, Thạc sĩ Luật Đại học Luật TP HCM, và có kinh nghiệm hơn 19 năm trong ngành tài chính ngân hàng, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại một số ngân hàng.
Dưới sự điều hành của bà Tuấn Anh, Kienlongbank tuy còn nhiều khó khăn nhưng đang dần có những dấu hiệu khởi sắc.
Năm 2019, lợi nhuận của Kienlongbank bất ngờ sụt giảm mạnh khi phải trích lập lượng lớn dự phòng cho khoản nợ xấu được thế chấp bằng cổ phiếu Sacombank. Đến quý IV/2020, Kienlongbank đã xử lý được một phần số cổ phiếu thế chấp này; qua đó giúp ngân hàng thoát lỗ trong quý cuối cùng năm 2020.
Lũy kế cả năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Kienlongbank đạt 158 tỷ đồng, tăng 84% so với năm 2019 và thực hiện được 21% kế hoạch đề ra.
Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của ngân hàng tăng 12% so với cuối năm trước, lên 57.282 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 3,7%, đạt 34.716 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 27,6%, đạt 42.018 tỷ đồng.
Hiện, Kienlongbank tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý các khoản nợ có tài sản thế chấp là cổ phiếu STB và đưa tổng nợ xấu của Kienlongbank về mức dưới 2%