Ngân hàng vẫn là tay chơi lớn nhưng tương lai thuộc về dòng vốn khác
Theo số liệu báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2016 - 2021, quy mô của thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5%/năm. Hiện tại, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015. Trong đó, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt 39,7% GDP.
Cụ thể hơn, theo số liệu của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VMBA), tính riêng quy mô của kênh trái phiếu doanh nghiệp, tổng khối lượng phát hành trong năm 2021 đạt xấp xỉ 660.000 tỷ đồng, tương đương khoảng hơn 10% GDP. Trong khi vào năm 2012, tỷ lệ này chỉ ở mức 2%.
Trên thị trường chứng khoán, nếu như trong những năm trước đó, giá trị giao dịch cổ phiếu trên thị trường dao động quanh mức 5.000 - 7.000 tỷ đồng/phiên, thì nay con số này đã tăng lên 4 – 5 lần, những phiên giao dịch tỷ USD không còn quá xa lạ.
Số tài khoản mở mới cũng liên tiếp đạt kỷ lục, khi có tới hơn 270.000 tài khoản cá nhân được lập trong tháng 3 vừa qua (mức cao nhất từ trước tới nay), nâng tổng số tài khoản nhà đầu tư trong nước lên hơn 4,93 triệu, tương đương 5% dân số toàn Việt Nam.
Nếu so sánh với quy mô tín dụng lên đến hơn 11,1 triệu tỷ đồng (tính tới cuối tháng 4), nhu cầu tín dụng mỗi năm đạt trên hơn một triệu tỷ đồng của toàn nền kinh tế, thì quy mô của hai kênh huy động vốn trên vẫn có thể nói ở mức khiêm tốn.
Dù vậy, sự phát triển vẫn có thể nói là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế khi hệ thống dẫn vốn của Việt Nam lâu nay vẫn được đánh giá là đặt nặng trên vai hệ thống ngân hàng.
Ngân hàng đang là kênh điều vốn chính của thị trường
Bên cạnh nhiệm vụ cung cấp tín dụng đơn thuần, có thể thấy hệ thống ngân hàng đóng một vai trò không hề nhỏ trên thị trường vốn của Việt Nam. Trên thị trường trái phiếu, xét chung trong 2021, nhóm ngân hàng chiếm tới 35% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên toàn thị trường, tăng 128% so với năm trước và ngang với nhóm bất động sản.
Nếu xét riêng trong tháng 4 vừa qua, trước động thái siết chặt hoạt động trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, nhóm ngân hàng chiếm tới hơn 90% tổng giá trị phát hành. Thông qua kênh này, tổ chức tín dụng có thể huy động được nguồn vốn trung dài hạn, giúp cân đối vốn để cho vay đối với doanh nghiệp và người dân thuận lợi hơn.
Không chỉ là đứng đầu về khía cạnh phát hành, các ngân hàng cũng là “tay chơi” lớn nhất trên thị trường trái phiếu. Cũng theo số liệu của VMBA, 29% nhà đầu tư sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp là các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, các công ty chứng khoán chiếm 27%, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chiếm 8,6%, công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư chiếm chưa tới 2%.
So sánh với các quốc gia phát triển (theo số liệu của OECD), công ty bảo hiểm, các quỹ hưu trí và các quỹ đầu tư chiếm tỷ trọng lớn hơn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Các tổ chức tiền tệ được OECD thống kê dưới đây được bao gồm cả ngân hàng trung ương.
Hay nếu so sánh với một nền kinh tế tương đương là Thái Lan, các nhà đầu tư cá nhân là người nắm giữ nhiều nhất, chiếm 33% tổng số trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành. Các công ty bảo hiểm và các quỹ hưu trí chiếm tỷ lệ lần lượt là 20% và 15%.
Chưa kể, một số công ty chứng khoán của Việt Nam là những công ty liên kết, công ty con của các ngân hàng, hoạt động dựa trên nguồn tiền của các nhà băng.
Dù phát triển với tốc độ nhanh, nhưng quy mô thị trường trái phiếu của Việt Nam chưa thực sự lớn. So với các nước trong khu vực, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Malaysia là 56% GDP, Singapore 36,5% GDP, Thái Lan 25% GDP…. Nếu không có sự tham gia của các nhà băng, sự khập khiễng sẽ còn lớn hơn.
Trên thị trường cổ phiếu, cổ phiếu các ngân hàng vẫn được gọi là nhóm cổ phiếu “vua” bởi vốn hóa chiếm đến 30% toàn thị trường. Trong nhóm VN30, top những cổ phiếu có vốn hóa lớn đầu thị trường, đã có đến 10 mã là cổ phiếu ngân hàng. Vietcombank đứng đầu danh sách với vốn hóa đạt hơn 350.000 tỷ đồng, cao hơn 20% so với doanh nghiệp tư nhân xếp sau đó là Vingroup.
Do đó, mọi biến động của nhóm cổ phiếu này có thể dẫn đến những thay đổi lớn của VN-Index nói chung. Đối chiếu với thị trường chứng khoán thế giới, theo số liệu được tổng hợp từ trang Liberated Stock Trader (tính đến hết 2021), vốn hóa của nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin chiếm tỷ trọng lớn nhất toàn cầu (16,3%), xếp sau đó là Tài chính (15,8%), Sức khỏe và Y tế (12,6%), Công nghiệp nặng (11,2%).
Đi tìm sự cân bằng trên thị trường vốn
Tại các nền tài chính phát triển, nhu cầu vốn của doanh nghiệp được đảm bảo với ba trụ cột chính là chứng khoán, trái phiếu và tín dụng ngân hàng. Trong đó, ngân hàng chỉ cung cấp nguồn vốn trong ngắn hạn, còn thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu là nơi doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn trong trung và dài hạn.
Những số liệu trên cho thấy ngân hàng có vai trò quan trọng trên thị trường vốn Việt Nam, góp phần thúc đẩy thanh khoản, tổ chức tư vấn, tổ chức bảo lãnh phát hành, đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán,... đẩy mạnh phát triển thị trường. “Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng khi nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn (tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn chiếm khoảng 82% tổng huy động vốn)”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu lên tại Hội nghị về thị trường vốn vừa qua.
Mặc dù đã tận dụng các kênh huy động vốn dài hạn từ trái phiếu, chia cổ tức tăng vốn hay vay nước ngoài, mặt bằng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các tổ chức tín dụng đều có xu hướng tăng trong các năm trở lại đây, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh khiến tiền gửi dài hạn càng có xu hướng mỏng dần. Áp lực này đang ngày càng lớn hơn khi thị trường ngày càng yêu cầu cao hơn về tính minh bạch nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Dù một vài năm trở lại đây, tín dụng đã tăng thấp hơn, chỉ khoảng 14%/năm so với trên 18%/năm như các năm trước, nhưng để giảm phụ thuộc vào kênh tín dụng thì các kênh huy động vốn khác, đặc biệt là kênh thị trường cổ phiếu, trái phiếu phải phát triển thực chất hơn nữa. Thị trường vốn của Việt Nam đang có những bước đi nhanh về lượng, có thể nói là những thị trường có tốc độ phát triển nhanh hàng đầu khu vực. Nhưng song song với đó cần phải đảm bảo được về chất, đi được vào chiều sâu của thị trường.