|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng ồ ạt phát hành cổ phiếu ESOP, ai lợi, ai thiệt?

07:00 | 10/10/2018
Chia sẻ
ESOP là một công cụ đắc lực để các ngân hàng níu giữ và thu hút nhân tài, đặc biệt là nhân sự cao cấp. Tuy nhiên, nếu công cụ này được sử dụng không hợp lý thì quyền lợi của các các cổ đông và lợi ích chung của cả ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng.
 
co phieu esop nganh ngan hang ai loi ai thiet VPBank phát hành thành công gần 33,7 triệu cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên
co phieu esop nganh ngan hang ai loi ai thiet Các 'sếp lớn' VIB đồng loạt đăng ký mua cổ phiếu
co phieu esop nganh ngan hang ai loi ai thiet
Ảnh minh họa
ESOP là viết tắt của cụm từ Employee Stock Ownership Plan, tức kế hoạch thực hiện quyền sở hữu cổ phần cho nhân viên công ty.

Hiếm khi nào mà hoạt động phát hành cổ phiếu ESOP ngân hàng lại sôi động như thời gian qua với khoảng 4 ngân hàng đã thực hiện hoặc lên kế hoạch phát hành ESOP trong năm nay.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) hoàn tất chuyển quyền sở hữu toàn bộ gần 33,7 triệu cổ phiếu ESOP (tương ứng là 1,39% vốn điều lệ) cho 837 người lao động với giá phát hành bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cp. Cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm kể từ ngày phát hành.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) cũng thông qua kế hoạch phát hành hơn 9,7 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ, nhân viên vào quý IV/2018 với giá bán là 10.000 đồng/cp. Được biết, giá trị sổ sách của ngân hàng tại ngày 31/12/2017 là 10.247 đồng/cp.

Trước đó, trong thời gian từ ngày 15/8 – 14/9, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB - Mã: VIB) cũng đã phân phối thành công 1,945 triệu cổ phiếu quỹ theo chương trình thưởng cổ phiếu quỹ cho cán bộ, nhân viên. Đáng chú ý, trong khi đa số ngân hàng khác sẽ bán với giá rẻ hoặc giới hạn chuyển nhượng từ 1 - 3 năm thì VIB lại “cho không” và cũng không hạn chế quyền chuyển nhượng trong đợt phát hành cổ phiếu ESOP này.

Cuối tháng 3, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank – Mã: TCB) cũng đã phân phối 14,7 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 1,48% vốn điều lệ) cho 150 người lao động theo chương trình ESOP với mức giá 10.000 đồng/cp.

Ai lợi – Ai thiệt trong các đợt ESOP

Mục tiêu của ESOP là tạo động lực cho người lao động, khuyến khích, nâng cao vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, nhân viên công ty,. Và quan trọng hơn là giúp cho những nhân viên được quyền mua cổ phiếu trong gói ESOP này, giảm đáng kể thuế thu nhập cá nhân phải nộp khi so sánh với thưởng bằng tiền.

Chính vì vậy, các ngân hàng cũng đang vận dụng linh hoạt chương trình ESOP trong các chính sách thu nhập cho người lao động nhằm thúc đẩy năng suất, cũng như níu kéo và thu hút nhân tài, đặc biệt là những nhân sự ở vị trí lãnh đạo cao cấp.

Thực tế trong kết quả các đợt phát hành ESOP của VPBank, 4 lãnh đạo trong ban điều hành đã mua vào tổng cộng hơn 18,4 triệu cổ phiếu ESOP, chiếm gần 58% tổng lượng cổ phiếu phát hành.

Hay trường hợp của Techcombank, chỉ có 150 trong tổng hơn 8.700 nhân sự của ngân hàng này mua ESOP. Trong đó, riêng 8 vị trí cấp cao mua hơn 4,3 triệu cổ phiếu, tương đương gần 30% lượng ESOP chào bán.

co phieu esop nganh ngan hang ai loi ai thiet

Thống kê các đợt ESOP của ngành ngân hàng trong năm 2018 (Nguồn: QT tổng hợp)

(*): lượng cổ phiếu ESOP mà VietBank dự kiến phát hành

(**): giá trị sổ sách của cổ phiếu VietBank tính đến ngày 30/12/2017

Việc chào bán ESOP với giá bằng mệnh giá (10.000 đồng/cp) được cho là một món quà nhiều giá trị dành cho các “sếp” ngân hàng, bởi thực tế, thị giá cổ phiếu của các ngân hàng thực hiện các chương trình ESOP đều cao hơn rất nhiều mức giá cổ phiếu được chào bán.

Điển hình như Techcombank, giá thị trường của cổ phiếu TCB trong thời gian thực hiện ESOP vào khoảng hơn 90.000 đồng/cp, gấp 9 lần mức giá mà các cán bộ, nhân viên của ngân hàng phải bỏ ra. Hay như trường hợp của VPBank, mức giá bán cổ phiếu ESOP cũng chỉ bằng 1/3 thị giá cổ phiếu trên sàn.

Tác dụng từ những chương trình ESOP là không thể phủ nhận tuy nhiên hoạt động này cũng tạo ra những mâu thuẫn lợi ích không nhỏ giữa ban lãnh đạo công ty và các cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ.

Trao đổi với chúng tôi, nhà đầu tư chứng khoán N.S cho biết: “ESOP là một chương trình tốt nhằm khuyến khích người lao động làm việc và gắn bó với ngân hàng. Tuy nhiên, việc sử dụng chương trình cũng cần phải cân nhắc kỹ đến quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ. Bởi đôi khi, chi phí phát hành ESOP còn lớn hơn nhiều so với giá trị mà nó mang về cho ngân hàng và cổ đông.

Như vậy, xét trong ngắn hạn, các gói ESOP đang trực tiếp ảnh hưởng tới lợi ích của cổ đông, đặc biệt là các cổ đông nhỏ lẻ không nắm giữ các chức vụ trong ngân hàng.

Ngoài ra chưa kể đến một số lãnh đạo có thể thực hiện các nghiệp vụ tài chính nhằm khuếch đại lợi nhuận ngắn hạn để đạt tiêu chuẩn phát hành ESOP mà ảnh hưởng đến khả năng phát triển trong tương lai của ngân hàng như cắt giảm quỹ đầu tư phát triển, cắt giảm chi phí đào tạo nhân sự… Cùng với đó, khi phát hành quá nhiều ESOP cũng sẽ làm gia tăng nguy cơ pha loãng giá cổ phiếu mà cổ đông đang nắm giữ”.

Một số chuyên gia cho rằng, ESOP có thể tạo ra những xung đột lợi ích giữa cổ đông (đặc biệt là những cổ đông nhỏ lẻ) và ban lãnh đạo. Hiểu nôm na, ESOP là việc doanh nghiệp sử dụng một phần tiền của cổ đông để thưởng cho cán bộ nhân viên.

Mặt khác, để có thể phát hành ESOP, lợi nhuận báo cáo của ngân hàng phải thỏa mãn được yêu cầu của các cổ đông. Đó cũng là một nguyên nhân có thể khiến ban lãnh đạo tìm cách đẩy lợi nhuận trên các báo cáo tài chính.

Chính vì vậy, khi phát hành ESOP, các ngân hàng nên đưa điều kiện ràng buộc chặt chẽ về sự gắn bó của nhà quản lý, nhân viên được quyền mua ESOP với kết quả hoạt động trong dài hạn của ngân hàng. Cùng với đó, các cổ đông cũng cần trang bị kiến thức đầy đủ trước khi đưa ra các quyết định phê duyệt chương trình ESOP.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Quốc Thụy

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.