|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng lỗ đậm từ mua bán chứng khoán 9 tháng đầu năm

11:08 | 02/12/2022
Chia sẻ
Kết thúc 9 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng ghi nhận lỗ từ các mảng chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư.

Ngân hàng lỗ đậm từ chứng khoán kinh doanh và đầu tư

Trái với sự tăng trưởng mạnh của các mảng hoạt động dịch vụ cũng như nguồn thu từ lãi, lãi thuần từ mua bán chứng khoán lại ghi nhận sự sụt giảm ở hầu hết các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm.

Trong nhóm Big 4, trong khi các mảng như hoạt động dịch vụ hay kinh doanh ngoại hối đều ghi nhận tăng trưởng về lãi thuần trong 9 tháng đầu năm, VietinBank ghi nhận lỗ 106 tỷ đồng ở mảng chứng khoán đầu tư trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 144 tỷ đồng. Ở mảng chứng khoán kinh doanh, ngân hàng này ghi nhận lỗ 79,6 tỷ đồng 9 tháng đầu năm (cùng kỳ năm trước lãi 255 tỷ đồng).

Vietcombank lỗ 119 tỷ đồng trong mảng chứng khoán kinh doanh trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 118 tỷ đồng. Còn BIDV lỗ 77 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lãi hơn 440 tỷ đồng) ở mảng chứng khoán kinh doanh nhưng được bù lại bởi mảng chứng khoán đầu tư lãi 117 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ 344 tỷ đồng).

VPBank, ngân hàng từng ghi nhận mức lãi từ chứng khoán đầu tư cao nhất trong năm ngoái cũng cho thấy sự sụt giảm lợi nhuận từ mảng này. Lãi thuần từ chứng khoán đầu tư giảm gần 78% so với cùng kỳ năm trước trong khi mảng chứng khoán đầu tư lỗ hơn 200 tỷ đồng.

Tương tự, tại Techcombank, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư giảm 64% còn chứng khoán kinh doanh lỗ hơn 230 tỷ đồng.

MB là một trong số ít trong nhóm top đầu về tư nhân giữ được mức lãi thuần từ mảng chứng khoán đầu tư không thay đổi quá nhiều (giảm 2% so với cùng kỳ) và cũng là ngân hàng có lãi thuần cao nhất trong nhóm khảo sát với 1.243 tỷ đồng. Lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh của MB cũng giảm 17% mang về 136 tỷ đồng.

 Nguồn: BCTC hợp nhất quý III/2022 của MB.

Trong cơ cấu hơn 143.000 tỷ đồng chứng khoán đầu tư của MB, trái phiếu do các tổ chức tín dụng (TCTD) khác chiếm tỷ trong lớn nhất hơn 42%, trái phiếu do các tổ chức kinh tế khác chiếm 34%, phần còn lại là trái phiếu do Chính phủ phát hành hoặc bảo lãnh.

Không riêng ở MB, cơ cấu chứng khoán đầu tư của phần lớn ngân hàng trong nhóm khảo sát cũng bao gồm chủ yếu trái phiếu TCTD, trái phiếu chính phủ, trái phiếu các doanh nghiệp.

Chịu ảnh hưởng từ mặt bằng lãi suất tăng

Khoản lãi từ trái phiếu của các ngân hàng không phải từ lãi trả định kỳ (ghi nhận vào thu nhập từ lãi) mà đến từ chênh lệch giá mua bán của loại giấy tờ có giá này. Giá trái phiếu diễn biến ngược chiều với lãi suất thị trường, khi lãi suất tăng lên, giá trái phiếu giảm và ngược lại.

Trong giai đoạn trước đây mặt bằng lãi suất được giữ ở mức thấp trong thời gian dài khiến giá trái phiếu tăng và các ngân hàng hưởng lợi lớn từ chứng khoán đầu tư này. Tuy nhiên, điều đó không còn đúng ở thời điểm hiện tại. 

Lạm phát tăng cao đã kéo theo làn sóng nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Tại Việt Nam, NHNN đã hai lần thực hiện nâng lãi suất, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường đã cao hơn thời điểm trước dịch COVID-19 và vẫn tiếp tục có xu hướng tăng. 

Theo báo cáo của SSI Research,mức lãi suất phổ biến cho kỳ hạn trên 6 tháng ở các NHTMCP đã được đẩy lên vùng 8,5 – 9,5%/năm và chưa tính đến các mức khuyến mãi tăng thêm dành cho những khoản tiền gửi giá trị lớn. Nhìn chung, lãi suất huy động đã tăng khoảng 3,5-4 điểm % so với cuối năm 2021 cho kỳ hạn trên 6 tháng.

Các chuyên gia SSI nhận định áp lực đối với lãi suất thị trường 1 vẫn còn khá cao khi tăng trưởng tín dụng và huy động từ NHNN vẫn chưa cho thấy sự cải thiện đáng kể trong chênh lệch huy động – tín dụng của nền kinh tế.

Tính đến cuối tháng 10, tín dụng tăng 11,5% so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên huy động vốn tăng trưởng chậm và hiện nay tốc độ huy động vốn tăng khoảng 4,6% so với đầu năm, tức là chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng.

Trong khi đó, các chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo khả năng NHNN sẽ điều chỉnh tăng thêm lãi suất điều hành ít nhất 0,5-1 điểm % trong quý IV/2022 đến quý I/2023.

Theo VDSC, hiện tại, lãi suất điều hành đã trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm 2019, dư địa tăng tiếp lãi suất điều hành sẽ tùy thuộc vào diễn biến áp lực các yếu tố bên ngoài (Fed, diễn biến chỉ số DXY, đồng NDT), lạm phát trong nước và áp lực mất giá của tiền đồng (cung-cầu ngoại tệ, triển vọng cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối, thanh khoản tiền đồng). 

Do đó, các chuyên gia cho rằng cả ba yếu tố này đều đang hỗ trợ khả năng NHNN sẽ điều chỉnh tăng thêm lãi suất điều hành.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang mang một màu sắc ảm đạm khi VN-Index sụt giảm mạnh, hàng loạt mã cổ phiếu giảm sàn liên tiếp, có thời điểm chỉ số thị trường xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm. 

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong nước đã chịu sự tác động của các thay đổi trong mặt bằng lãi suất. 

“TTCK Việt Nam biến động mạnh trong thời gian qua xuất phát từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế - chính trị thế giới và có sự đồng pha với diễn biến trên TTCK thế giới”, UBCKNN cho biết.

Huyen Vi