Ngân hàng hạng A đứng trước thời thế mới
Vì đâu tín dụng ‘nóng’ ngay từ tháng đầu năm? | |
Dự báo lợi nhuận ngân hàng 2017: Bức tranh sáng màu |
Tín hiệu mừng là năm 2016 ghi dấu mốc mới khi các ngân hàng tư nhân tốp đầu thông báo về những khoản lợi nhuận “trong mơ”.
Liệu khoản lợi nhuận này có tạo đà cho chu kỳ tăng trưởng sắp tới? Và chiến lược nào sẽ giúp các ngân hàng vượt qua sự thoái trào trong bối cảnh sức ép vẫn chưa giảm?
Hiện tượng mới
VPBank vừa ghi tên vào bảng tổng sắp ở vị thế là ngân hàng tư nhân tạo ra lợi nhuận sau thuế lớn kỷ lục từ trước đến nay, đến hơn 4.000 tỉ đồng.
Trái với các ngân hàng khác trong chu kỳ đi xuống, bao gồm cả Sacombank, ACB và Techcombank, VPBank đã ghi dấu ấn đáng kể trong chu kỳ kinh doanh đi lên từ năm 2012. Cách đây 5 năm, “ngai vàng” này thuộc về ACB.
Cùng với những thương hiệu nổi bật Sacombank và Techcombank, các ngân hàng này một thời “làm mưa làm gió” trên thị trường ngân hàng. Mặc dù vậy, khi nền kinh tế gặp trục trặc với những khoản nợ được tái cấu trúc, các ngân hàng này cũng thoái trào vì lý do riêng.
Do đó, bảng tổng sắp vị thế tạo lợi nhuận của các ngân hàng đã thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, nếu xét về quy mô tổng tài sản, Ngân hàng Quân Đội (MBB) vẫn đang dẫn đầu, ACB xếp thứ hai và tiếp theo là VPBank.
MBB cũng là một hiện tượng nổi trội trong danh sách câu lạc bộ ngân hàng ngàn tỉ này, bởi sự ổn định về khả năng tạo lợi nhuận. Đó cũng là một nỗ lực đáng khen ngợi trong bối cảnh ngân hàng này chưa có cổ đông chiến lược ngoại nào gia nhập để gia tăng sức mạnh nội lực về cơ chế quản trị và kiểm soát rủi ro như thường thấy ở nhiều ngân hàng khác.
Bảng tổng sắp này cũng có những “tân binh” bắt đầu ngấp nghé. Chẳng hạn, HDBank hay SHB đã gần chạm ngưỡng lợi nhuận ngàn tỉ đồng. Hai ngân hàng này ghi đậm dấu ấn của cổ đông chiến lược cùng dấu ấn nhà lãnh đạo.
Như bà Nguyễn Thị Phương Thảo với thương vụ niêm yết công ty hàng không tư nhân đầu tiên (sở hữu HDBank) và ông Đỗ Quang Hiển với Tập đoàn T&T luôn sốt sắng trong các thương vụ mua lại cổ phần các công ty nhà nước IPO.
Bản thân SHB cũng là ngân hàng nhận sáp nhập MDB. Ở chiếu dưới, các ngân hàng khác cũng nỗ lực không kém để tỏa sáng như VIB, TPBank đạt quy mô lợi nhuận khoảng 700 tỉ đồng.
Thành công trong giai đoạn trước đây của những “ngân hàng hạng A” gắn liền với dấu ấn của những mảng tăng trưởng nóng. Lĩnh vực bán buôn từng là nguồn thu chính của nhiều ngân hàng, nhưng sau đó lại trở thành gánh nặng.
Giai đoạn sau này mở ra trào lưu bán lẻ nhiều hơn với sự thay đổi khẩu hiệu ở hầu như toàn bộ các ngân hàng trên thị trường, chứ không chỉ bao gồm những ngân hàng hạng A.
Techcombank có lợi nhuận trong năm nay tăng cao vì quy mô trích lập dự phòng giảm mạnh so với 2 năm trước. Techcombank duy trì con đường bán buôn dù vẫn nỗ lực đẩy mạnh bán lẻ.
Năm 2016, một công ty con của Techcombank (sở hữu 100%) hoạt động năng nổ là Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS) với hơn 604 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 13%), khác xa so với tình hình ảm đạm của nhiều năm trước đây.
Trở lại với trường hợp VPBank. Ngân hàng này ghi tên vào câu lạc bộ ngân hàng ngàn tỉ đồng lợi nhuận từ năm 2012, trong khi trước đó chỉ quanh mức gần 650 tỉ đồng.
Bằng cách thay đổi mạnh mẽ về mặt quản lý, tổ chức, hệ thống công nghệ, VPBank tập trung vào 2 chiến lược rõ ràng: doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và khách hàng cá nhân. Tỉ trọng dư nợ của nhóm hộ kinh doanh cá thể và cá nhân ở mức hơn 62% vào cuối năm 2016, tăng đáng kể so với con số 53% trong năm.
Nếu như doanh nghiệp SME được coi là một khối kinh doanh lớn và là phân khúc chiến lược trong lộ trình tăng trưởng tiếp theo, thì câu chuyện đáng kể đến là cuộc chơi của FE Credit, công ty con hoạt động trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.
Tham gia từ rất sớm, FE Credit hiện giữ vị trí dẫn đầu (ước thị phần khoảng 53%) của thị trường có quy mô 15 tỉ USD, vốn trước đó chỉ là một khối kinh doanh gộp chung với ngân hàng. Giữa cuộc chơi có nhiều đối thủ nước ngoài đang nắm lợi thế, sự giữ ngôi của một doanh nghiệp Việt rõ ràng là điều đáng khích lệ.
Áp lực vẫn trên vai
Tương lai gần cho thấy các ngân hàng đang chuyển hướng đến tín dụng tiêu dùng, lĩnh vực mà các ngân hàng hạng A tỏ rõ sự yêu thích và năng động. Ra đời cùng quãng thời điểm với FE Credit là HDFinance (sau này bán 49% cổ phần cho đối tác Nhật và đổi tên thành HD Saison) của HDBank.
Mới gần đây, MCredit thuộc Ngân hàng Quân Đội cũng có động thái tương tự. Các ngân hàng Techcombank, SHB cũng đã mua lại các công ty cho vay tài chính trước đây để chuẩn bị cho hoạt động này. ACB sau thời gian dự tính thành lập mới, gần đây cũng cho biết sẽ thúc đẩy việc mua lại công ty tài chính tiêu dùng.
Thực tế, VPBank còn chịu áp lực cao về nguồn vốn. Năm ngoái, lượng tiền gửi khách hàng đã giảm 5%. VPBank kiếm vốn từ nhiều nguồn khác, trong đó bao gồm cả việc phát hành trái phiếu (quy mô phát hành giấy tờ có giá lớn hơn nhiều so với các ngân hàng khác, tăng hơn gấp đôi so với năm 2015) và đi vay vốn từ IFC (125 triệu USD được IFC thông qua năm ngoái).
Trước đó, VPBank còn dự tính bán 49% cổ phần của FE Credit cho đối tác ngoại, cho dù công ty này đang là con gà đẻ trứng vàng. Việc chia sẻ quyền lợi ở FE Credit không chỉ đem về nguồn lực tài chính mới, mà còn là tìm kiếm nguồn vốn giá rẻ để kinh doanh, hệ thống quản trị để kiểm soát lĩnh vực cho vay đầy rủi ro này.
Còn Techcombank lại đặt mục tiêu trở thành “one stop shop” cho các nhu cầu tài chính cá nhân. Ngân hàng này tích cực bán cả dịch vụ ngân hàng lẫn bảo hiểm trong năm qua. Techcombank được thừa hưởng nền tảng từ cổ đông ngoại HSBC và cho đến nay vẫn còn đà chạy và thương hiệu tốt.
Ở bối cảnh khác, cổ đông lớn đứng sau Techcombank là Masan vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể nào về mặt chiến lược. Tuy nhiên, các vị trí lãnh đạo cấp cao của Techcombank trong nhiều năm nay đã thay đổi liên tục.
Đó là thách thức ở từng ngân hàng, song các ngân hàng phải đối mặt với một thách thức chung khác là các quy định dần đi vào hiệu lực của cơ quan quản lý. Trong câu lạc bộ ngàn tỉ đồng, MBB, VPBank, ACB, Techcombank sẽ tham gia thí điểm Hiệp định Basel II, dù đã có những nghi ngại về việc lùi thời điểm áp dụng vì quá gấp với các ngân hàng.
Theo Công ty Chứng khoán VCBS, việc áp dụng thí điểm Basel II sẽ gây áp lực tăng vốn và chi phí hoạt động cho các ngân hàng này trong năm nay.
Mặc dù các ngân hàng thương mại nhà nước chịu áp lực cao hơn khối ngân hàng tư nhân (vì tỉ lệ an toàn vốn CAR trung bình của nhóm này thấp hơn), nhưng các ngân hàng tư nhân buộc giữ mình trong cuộc chơi vì khả năng gọi vốn cũng không đơn giản khi cổ phiếu ngân hàng không được giá, trần tỉ lệ sở hữu lại bị giới hạn.
Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh các tổ chức tín dụng của Vụ Dự báo Thống kê cho thấy, có đến 85% các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh được cải thiện trong năm nay.
Năm 2016 dự báo là năm khó khăn của ngành ngân hàng nhưng lợi nhuận bình quân chung lại tăng lên đáng kể. Liệu năm nay có tiếp tục như vậy? Có thể thấy, chi phí vốn bình quân mà các ngân hàng huy động trên thị trường cũng đang tăng dần lên theo áp lực tăng lãi suất.
Năm ngoái, nhiều ngân hàng xác định gọi vốn kỳ hạn dài hơn bằng trái phiếu với mức lãi suất khoảng 8%. Lãi suất và tỉ giá tăng trực tiếp đi kèm tới ảnh hưởng hoạt động của các ngân hàng, không chỉ khó lòng tăng trưởng tín dụng mà nguy cơ các khoản nợ trở nên xấu đi cũng cao hơn.
Bên cạnh đó, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro cho số nợ xấu bán cho VAMC đồng thời trích lập dự phòng cho số nợ xấu mới. Tất nhiên, triển vọng ngành ngân hàng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế.
Trong bối cảnh nền kinh tế có thể chịu rất nhiều tác động từ kinh tế thế giới và trước những khó khăn nội tại của Việt Nam, rõ ràng các ngân hàng còn đối mặt với rất nhiều thử thách. Vì thế, nhìn chung, các ngân hàng thương mại cũng buộc phải đi theo hướng an toàn, thay vì mạo hiểm rủi ro kiếm lợi nhuận cao như trước đây.