Ngân hàng 'còng lưng' gánh 5% tài sản không sinh lời
|
Phát biểu tại tọa đàm "Làm ăn gì năm 2017?" do BizLIVE tổ chức, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: "Nợ xấu hiện nay đang ở mức đặc biệt xấu. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu đang giảm, nợ trong 12 tháng hay 36 tháng không đáng ngại. Nguy hiểm thật sự nằm ở những khoản nợ trong thời gian từ 3 đến 5 năm".
Bình luận về vấn đề này, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ Nguyễn Tú Anh thừa nhận nợ xấu vẫn còn trong kho cần phải xử lý tại bối cảnh còn hạn chế về nguồn lực. Ông khẳng định, không phải đưa nợ xấu vào VAMC và để đấy, "55% nợ xấu đã được xử lý, sử dụng bằng dự phòng, khách hàng đã trả bán tài sản phát mại..".
Ông chia sẻ thêm: "Đáng ra tỷ trọng bán tài sản phát mại lớn nhưng thực tế đang thấp vì vướng các vấn đề pháp lý cần giải quyết để cân bằng lợi ích người đi vay, cho vay với mục đích cuối cùng là tổng thể nền kinh tế". Cho đến nay tỷ lệ nợ xấu là 2,58% bao gồm cả tài sản ngoại bảng và tại VAMC nợ xấu tồn đọng phần chưa giải quyết được.
Ông Tú Anh cho biết hiện nay có khoảng 260.000 tỷ đồng được chuyển vào VAMC và khoảng 2,6% nằm trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Như vậy tổng nợ xấu vào khoảng 400.000 tỷ đồng.
Bàn luận con số này, Phó Tổng giám đốc TPBank Khúc Văn Họa cho rằng nợ xấu là căn bệnh của nền kinh tế, tuy nhiên hiện nay chỉ đang được "uống thuốc giảm đau". Các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro là chính, chưa có nguồn lực từ bên ngoài.
Ông Họa phân tích, "Giả sử đã xử lý được 55% nợ xấu như ông Tú Anh nói thì vẫn còn khoảng gần 200.000 tỷ nữa. Con số này tương ứng khoảng 5% dư nợ ngân hàng. Và như vậy có khoảng 5% tài sản ngân hàng đang không sinh lời. Ngân hàng sẽ phải "còng lưng" để gánh khoản tài sản này".
Theo đó, đây là một dạng nguy cơ rủi ro có một hay hay cú sốc sẽ tiềm ẩn nguy cơ lớn cho nền kinh tế khi khả năng thanh khoản của các ngân hàng không còn.
Vì vậy, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Tiền tệ khẳng định Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng giải quyết, cố gắng để nợ xấu không tăng lên. Năm 2017, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước phải chủ động đón cả biến động có lợi và bất lợi.